Theo ý kiến các chuyên gia tại hội thảo "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam phối hợp với Báo Giao thông tổ chức ngày 3/9, chi phí sản xuất ra xe điện hiện cao hơn khoảng 45% so với xe động cơ đốt trong, do đó, giá xe điện cao hơn nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ. Người tiêu dùng khá bất tiện khi tìm kiếm các trạm sạc nhanh cũng rào cản lớn, khiến lượng xe điện tiêu thụ còn hạn chế.
KỶ NGUYÊN XE ĐIỆN, Ô TÔ TRUYỀN THỐNG SẮP HẾT THỜI
Trên thế giới, hàng loạt Chính phủ đưa ra lộ trình chấm dứt lưu hành ô tô sử dụng nhiên liệu hoá thạch, chuyển sang kỷ nguyên xe điện, xe tự lái. Chẳng hạn, Chính phủ Anh đưa ra lộ trình cấm bán xe chạy xăng dầu Diesel từ năm 2030. Tại Trung Quốc, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, cứ 4 chiếc xe chạy trên đường phố, có 1 xe điện.
Các chuyên gia dự đoán, số lượng ô tô điện bán ra sẽ tăng lên 20% chỉ trong 4 năm tới, đến năm 2030 tăng lên 40% và tăng 85% vào năm 2035. Nhiều hãng sản xuất xe điện lớn trên thế giới như Tesla hay Geely đều có kế hoạch mở rộng sản xuất cho phát triển xe điện. Nhiều hãng khác như Ford, General Motors (GM ) hay Volkswagen , Jaguar, Volvo,… cũng lên kế hoạch chỉ bán ô tô điện trong tương lai.
Đề cập đến xu thế sử dụng xe điện trong tương lai, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, ở nhiều quốc gia, các dòng xe điện hóa được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều nước đã đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang kỷ nguyên xe xanh, xe điện, xe tự lái.
Việt Nam hiện có 1 triệu xe máy điện đang lưu hành, hàng ngàn ô tô điện được bàn giao cuối năm nay. Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như hybrid (xe lai điện), xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái.
Tuy nhiên, với dân số gần 100 triệu dân, số lượng xe điện còn rất hạn chế. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề quản lý Nhà nước thông qua các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng các quy định quản lý, các cơ chế chính sách để phát triển loại phương tiện này, bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường vô cùng tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Còn theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Thứ nhất, mức thu nhập trung bình thấp. Thứ hai, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc. Thứ ba, phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế. Thứ tư, chính sách ưu đãi đối với ô tô điện. Thứ năm, cơ cấu nguồn điện, tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện.
Tiên phong trong việc kiến tạo hệ sinh thái di chuyển xanh, thông minh và sẵn sàng vươn ra toàn cầu, bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast cho biết VinFast cũng chuẩn bị tiếp tục ra mắt dòng xe ôtô điện. Theo kế hoạch, VinFast sẽ mở bán hai mẫu ôtô điện thông minh VF e35 và VF e36 trên toàn cầu vào tháng 3/2022. Trước đó, các xe bus điện bắt đầu chạy trên thị trường Việt Nam từ tháng 4/2021.
“Song song với việc phát triển phương tiện, chúng tôi cũng đã phát triển hệ thống trạm sạc, xưởng dịch vụ và trong đó, có dịch vụ mới là cho thuê pin xe điện”, bà Thuỳ Dương thông tin.
Trong năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2.000 trạm sạc với gần 40.000 cổng sạc. Các trạm sạc VinFast sẽ có mặt ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học…. cho khách hàng yên tâm di chuyển trên các cung đường. Các trạm sạc này cho phép đi được 180km sau 15 phút sạc, rất thuận tiện.
CẦN TỔ HỢP CHÍNH SÁCH, LỘ TRÌNH CỤ THỂ
Trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia về cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng xe điện, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng “việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường. Việc phát triển ngành công nghiệp xe điện phải phù hợp với tình hình phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện như hệ thống trạm sạc điện”.
"Cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất bố trí trạm sạc… Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp điện sạch cho các trạm sạc. Phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện...".
Ông Phạm Tuấn Anh.
Từ thực tế trên, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Cụ thể, giải pháp về thuế, áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường. Cụ thể, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) ở mức thấp nhất.
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ ở mức cao hơn so với xe BEV và FCEV và áp dụng theo lộ trình giữ nguyên như hiện tại và tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEV và PHEV.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển, mua bán, chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn.
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Đào Công Quyết cũng đề xuất 3 kịch bản cho xe điện hoá. Trong đó, thời điểm vàng của xe điện tại Việt Nam vào năm 2045, đồng thời, là thời điểm kỷ niệm 100 năm Quốc khánh và Việt Nam trở thành nước phát triển. Khi đó, đạt mục tiêu trở thành nước trung hoà cacbon vào năm 2050.
Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng, Việt Nam cần có một giai đoạn chuyển đổi cùng các chính sách hỗ trợ. Hiện tại, tổng thị trường ô tô tại Việt Nam đạt doanh số khoảng 416.000 xe.
Cụ thể, đầu tiên giai đoạn từ năm 2021 – 2030, là giai đoạn khởi đầu sẽ đạt mức cơ giới hoá vào năm 2028 xấp xỉ 1 triệu xe các loại, xe động cơ đốt trong vẫn chiếm ưu thế.
Giai đoạn thứ 2, từ năm 2030 – 2040 sẽ tăng trưởng nhanh, lượng xe điện hoá sẽ tăng mạnh lên, đạt 100%. Giai đoạn 3 từ năm 2040 – 2050, tăng trưởng ổn định.
Về các chính sách hỗ trợ, VAMA đề xuất các chính sách cơ bản cho từng giai đoạn. Ở giai đoạn khởi đầu, để khuyến khích nhu cầu thị trường cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt hài hoà cho các loại xe điện khí hoá để phát triển thị trường.
Ngoài ra, giảm lệ phí trước bạ, 50% cho xe HEV, 70% cho PHEV và 100% cho BEV. Đồng thời, hỗ trợ cho khách hàng phí đỗ xe, thuế môi trường… đối với tất cả các loại xe điện khí hoá là rất cần thiết. Trạm sạc cũng cần có các quy định và tiêu chuẩn. Còn sản xuất cũng cần hỗ trợ xây dựng nhà máy và hỗ trợ cho đầu tư vào nghiên cứu, phát triển.
Bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh, giai đoạn 2030 – 2040 cần hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm sạc nhanh. Thêm vào đó, hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất các loại xe điện khí hoá.
Khi đến giai đoạn tăng trưởng ổn định, giai đoạn 2040 – 2050, cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy pin và giảm lệ phí trước bạ cho dòng xe này. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất và hoạt động của các trạm sạc nhanh.
“Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm với các nước trong khu vực. Thậm chí, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có.
Vì vậy, Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trong khu vực. Chúng ta cần kịp thời nắm bắt, nếu chậm trễ, để một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước ta, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này”.