Làn sóng bán dẫn tại Việt Nam đã tăng tốc kể từ năm 2023 khi nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến Việt Nam và bày tỏ mong muốn đầu tư. Đáng kể là chuyến thăm của ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia vào cuối năm 2023 cùng rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các tập đoàn bán dẫn lớn như Marvell, GlobalFoundries… Động thái của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới hứa hẹn làn sóng đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Song để đón làn sóng này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần “nhanh chân” trong cuộc đua thu hút đầu tư, bởi cơ hội mà Việt Nam đang có là “ngàn năm có một” nhưng sẽ “rút” rất nhanh nếu Việt Nam không hành động kịp thời.
LOẠT DOANH NGHIỆP TĂNG TỐC ĐẦU TƯ
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)... Các doanh nghiệp này đã rót hàng tỷ USD đầu tư cho các dự án lắp ráp, xây dựng nhà máy và mở rộng sản xuất.
Tính đến thời điểm này, dự án tỷ USD đầu tiên của năm 2024 trong lĩnh bán dẫn là của Amkor. “Ông lớn” này đã tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD vào tháng 6/2024, trước 11 năm so với dự kiến sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023. Sự tăng tốc có phần đột biến của Amkor được giới chuyên gia nhận định là sự nhanh chân, đón bắt cơ hội và tiềm năng phát triển của thị trường bán dẫn tại Việt Nam. Với động thái tăng vốn này, nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Việt Nam sẽ có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD.
Không chỉ những dự án khủng, gần đây các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu cũng tìm tới Việt Nam để thiết lập cơ sở sản xuất. Cuối tháng 8/2024, nhà đầu tư Signetics (Hàn Quốc) đã tới Vĩnh Phúc xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm quan trọng được ứng dụng trong sản xuất chip nhớ, GPU, TV… với số vốn đầu tư 100 triệu USD.
Trong tháng 7/2024, Đồng Nai cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho loạt 4 dự án cùng thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với số vốn hơn 110 triệu USD.
Cùng thời gian, Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan cũng hoàn tất việc đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 4,9 triệu USD cho việc thuê nhà xưởng và triển khai hoạt động sản xuất.
Giữa tháng 5/2024, Marvell đã công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng và chuẩn bị mở thêm một trung tâm nữa tại TP.HCM sau khi đã đầu tư một trung tâm thiết kế tại đây.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc đầu tư vào Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. Tuy vậy, theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, để có chỗ đứng trên “bản đồ” ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần thu hút thêm những dự án khủng, những “đại bàng” hay những doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
CUỘC ĐUA CHIP TOÀN CẦU NÓNG LÊN
Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023 và được dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo ông Eric Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược IECS, Thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức, dưới tác động của các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid–19, xung đột quân sự Nga và Ukraine,… chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sản xuất.
“Do đó, các quốc gia trên thế giới đều tích cực đầu tư cũng như thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để có thể tự chủ, gia tăng giá trị sản xuất và vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Eric Nguyễn cho biết.
Singapore mới đây đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm.
Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí.
Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.
Do vậy, theo ông Eric Nguyễn, Việt Nam đang cạnh tranh rất lớn với các quốc gia trong ASEAN, đặc biệt là Malaysia và Indonesia. Malaysia mới đây đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi ngành bán dẫn, trong đó có khoản hỗ trợ nhà đầu tư trị giá 3-5 tỷ USD.
ĐỀ XUẤT CÁC CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ
Để giải quyết “nút thắt” cơ chế trong cạnh tranh thu hút đầu tư nhất là thu hút những nhà đầu tư lớn và đầu tư vào những lĩnh vực chiến lược, mới đây, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất chính sách đột phá để hút các “đại bàng” công nghệ tới Việt Nam.
Đó là việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư, trong đó có công nghệ chip và bán dẫn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách này là cần thiết trong bối cảnh số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao trong những năm gần đây còn khiêm tốn. Trong khi đó, việc áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu đã làm suy giảm mạnh sức hấp dẫn trong thu hút dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa.
“Vì vậy, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng chưa lựa chọn Việt Nam hoặc chờ đợi để theo dõi phản ứng chính sách của Chính phủ Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các Ban quản lý để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong thời hạn 15 ngày.
Cùng với đó, nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự đổi mới này có thể có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho nhà đầu tư đến 260 ngày...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam