Trong một thế giới nhiều thách thức và đang thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp, tổ chức đối mặt với yêu cầu phải có các giải pháp đổi mới sáng tạo, và cùng nhau hợp tác để tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững. Đó chính là căn nguyên của các hoạt động đổi mới sáng tạo mở xã hội (open social innovation).
“Bằng cách cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng”, TS Insik Hwang, Tổng thư ký Hiệp hội quyên góp phúc lợi xã hội Hàn Quốc, nói tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo mở xã hội với chủ đề "Huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng" diễn ra ngày 5/11.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà lãnh đạo và những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo để cùng khám phá cách huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO MỞ XÃ HỘI: SẼ ĐẢM BẢO TÍNH TOÀN DIỆN, HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG
Theo ban tổ chức, con đường hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vẫn còn đầy thách thức và cấp thiết hơn bao giờ hết. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là mũi nhọn trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề xã hội và môi trường phức tạp hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo Đổi mới sáng tạo mở xã hội với chủ đề "Huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng" – sáng kiến của Làng Sáng tạo mở xã hội TECHFEST – nhằm kết nối các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư, viện trường, tổ chức xã hội và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Sự kiện tạo nền tảng cho các cơ hội hợp tác và tận dụng nguồn lực đa dạng cho đổi mới sáng tạo phù hợp với SDGs. Tại đây, các mô hình thành công về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ cũng được chia sẻ và thảo luận. Đây là diễn đàn mở để các bên có thể thảo luận và huy động nguồn lực cho các hoạt động sắp tới, hướng tới tầm nhìn 2030.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), cho rằng nhiều người vẫn nghĩ đổi mới sáng tạo mở xã hội chỉ dành cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc đó là hoạt động nhận sự hỗ trợ từ chính phủ, tương tự như việc nhiều người cho rằng ESG và SDG chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn.
“Tôi muốn nhấn mạnh về khái niệm "đổi mới sáng tạo mở xã hội". Đó là sự hợp tác, đổi mới và cộng đồng. Đây là trách nhiệm chung, và ESG cùng SDG là những phương pháp mạnh mẽ mà mọi tổ chức và cá nhân đều có thể thực hiện để tạo ra tác động tích cực”, bà Nguyễn Phương Linh nói. “Đổi mới sáng tạo khi thực hiện riêng lẻ thường không đạt hiệu quả, trong khi đổi mới sáng tạo mở xã hội đảm bảo các giải pháp toàn diện, hiệu quả và bền vững hơn”.
Theo các chuyên gia, để thực sự xây dựng một mô hình đổi mới sáng tạo xã hội mở, cần có sự hợp tác sâu rộng giữa các ngành, đầu tư vào các sáng kiến chung, tạo tác động đến cộng đồng. Đặc biệt, hiện nay với sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ, từ Al đến phân tích dữ liệu, các giải pháp đổi mới sáng tạo có thể được mở rộng quy mô và tập trung hơn nữa vào cộng đồng.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THEO CÁCH TẠO TÁC ĐỘNG XÃ HỘI
Công nghệ được xác định đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Tuy vậy, Tiến sĩ Sonya Anderson, Phó Chủ tịch Điều hành, United Way Worldwide, cho rằng vấn đề không chỉ là về công nghệ, mà là “cách chúng ta sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách, tăng cường tiếng nói của cộng đồng và tạo ra tác động xã hội có ý nghĩa".
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, cho rằng trong thực tế, công nghệ chỉ thực sự hiệu quả khi có mục đích rõ ràng và hướng đến phục vụ con người. Khi nói về phát triển bền vững, công nghệ cần được đưa vào tay cộng đồng, nhằm giải quyết các thách thức chung, đáp ứng mối quan tâm của mọi người và, quan trọng nhất, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung vào công nghệ không nên chỉ là khẩu hiệu, mà là cam kết đảm bảo sự hòa nhập, để khoảng cách "không ai bị bỏ lại phía sau" được thu hẹp.
“Chúng ta không nên chỉ tập trung vào công nghệ hay chuyển đổi công nghệ mà cần chú trọng cả con người và cộng đồng”, Viện trưởng Viện MSD nói. “Đó chính là công nghệ tạo ra tác động xã hội”.
Bà Nguyễn Phương Linh cho biết theo khảo sát, 85% doanh nghiệp đã lồng ghép toàn bộ hoặc một phần các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động của tổ chức. Hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
“Những phát hiện này khẳng định đổi mới sáng tạo mở xã hội không chỉ là “xu hướng đến rồi đi” mà còn là phương pháp, cách tiếp cận để doanh nghiệp lớn mạnh một cách hiệu quả và bền vững”, bà Nguyễn Phương Linh nói và cho rằng tiến trình này cần doanh nghiệp mở để kết nối với các bên liên quan, đặc biệt là cả nhà nước, tổ chức xã hội, viên trường, công đồng….
“Để tiến trình đổi mới sáng tạo mở xã hội thành công cần sự hỗ trợ của một hệ sinh thái đoàn kết đồng lòng cùng hỗ trợ, mở ra các cơ hội cùng tham gia, đóng gặp và tạo tác động tập thể mang lại những thay đổi tích cực WIN-WIN-WIN cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cho cả cộng đồng, đảm bảo phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau", Viện trưởng Viện MSD nói.
KINH TẾ KHÓ KHĂN, DOANH NGHIỆP CÀNG MUỐN ĐẦU TƯ VÀO ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Theo bà Trần Thị Thuý Ngọc, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, dựa trên khảo sát các công ty tài chính toàn cầu của Deloitte, đổi mới sáng tạo đang được các doanh nghiệp chú trọng mạnh mẽ, hầu hết các CEO, Chủ tịch công ty, nhà đầu tư đều mong chờ vào đổi mới sáng tạo.
“Tại sao lại như vậy? Bởi vì nền kinh tế hiện đang gặp nhiều thách thức, cùng với các vấn đề đại chính trị, mọi doanh nghiệp đều suy nghĩ cách làm tốt hơn, đó là lý do các tổ chức tập trung vào đổi mới sáng tạo”, đại diện Deloitte Việt Nam cho biết.
Đáng chú ý, đại diện của Deloitte cho biết mặc dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các tổ chức vẫn đang cân nhắc việc tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo và sẵn sàng chi ngân sách cho lĩnh vực này. Theo các chuyên gia từ Deloitte, việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo có thể mang lại những kết quả tích cực hơn cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực năng lượng và đồng thời đóng góp cho cộng đồng.
Khi ban lãnh đạo đầu tư vào các ý tưởng đổi mới, tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư có thể tăng từ 3% đến 15% trong một số lĩnh vực khác nhau, thậm chí có thể cải thiện nhiều hơn, vượt quá 15%.
Chuyên gia của Deloitte cũng cho rằng một trong các phương thức thúc đẩy tăng trưởng đổi mới sáng tạo là tạo ra sự hợp tác giữa các bên liên quan, đưa họ cùng ngồi lại với nhau, bao gồm các công ty công nghệ, công ty tư vấn, cơ quan quản lý và cả các trường đại học.