May 27, 2008 | 08:37 GMT+7

Huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ qua SPAC

Lê Hường

Huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện có thể được coi là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam

Sàn giao dịch Nasdaq ở Mỹ.
Sàn giao dịch Nasdaq ở Mỹ.
Huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện có thể được coi là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.
 
Tìm hiểu và hướng đến thị trường vốn quốc tế là một cách làm đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm trong lúc thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy khởi sắc và thị trường tiền tệ bị thắt chặt.

Cơ hội huy động vốn tại thị trường Mỹ

Chính vì vậy, tham gia thị trường chứng khoán Mỹ thông qua hình thức SPAC (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp cho mục đích niêm yết) được nhiều ý kiến đánh giá là một chiến lược hợp lý trong xu thế hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

SPAC là một khái niệm khá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam trong khi đây lại là công cụ huy động vốn quan trọng tại Mỹ và đang được các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước Đông Nam Á áp dụng thành công. Trong năm 2007, 23% các đợt IPO của Mỹ được thực hiện thông qua SPAC với tổng giá trị lên đến 121 tỷ USD, trong khi con số này của năm 2004 chỉ là 25,1 tỷ.

Theo quy định của Luật chứng khoán và Nghị đinh 14/2007/NĐ-CP, các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề mà pháp luật cấm bên nước ngoài tham gia đều được phép tham gia niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài và phải đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc niêm yết của doanh nghiệp phải có quyết định thông qua Hội đồng Quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và báo cáo về Ủy ban Chứng khoán trước khi nộp hồ sơ đăng ký IPO và niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế. Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện IPO đồng thời ở trong và ngoài nước, báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế hoặc theo chuẩn mực kế toán quốc tế và VN, kèm theo bản giải trình các điểm khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán.

Niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế đem lại những lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn quốc tế, tăng tính thanh khoản của giao dịch, mở rộng cơ sở cổ đông, đồng thời, quảng bá hình ảnh ra khỏi biên giới quốc gia, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và tính minh bạch.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, sản phẩm SPAC như một cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện IPO và niêm yết ở nước ngoài. Theo đó, mục tiêu của SPAC là quan tâm đến các doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng cao từ 20-30%/năm, hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tốc độ tăng trưởng cao, lợi nhuận bình quân năm khoảng 8 triệu USD.

Nhận diện rào cản

Trong thời kỳ chứng khoán đang suy giảm, với doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO, đây cũng là một hướng mới để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại các thị trường chứng khoán nước ngoài, nơi có thể tiếp cận các nguồn vốn đầu tư lớn và phong phú.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, việc huy động vốn theo hình thức này gặp một số trở ngại nhất định từ phía cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, nguồn lực quản lý, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu kết nối giám sát chung và cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện là những khó khăn chủ yếu. Đối với doanh nghiệp, khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết về tài chính, công bố thông tin cũng như chi phí và nguồn lực để duy trì niêm yết tại hai thị trường là những rào cản lớn để tiếp cận kênh vốn này.

Theo ông Nguyễn Nam Cường, Phó vụ trưởng, Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ: “Việc niêm yết này đáng nhẽ chúng ta đã làm từ lâu rồi. Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để bơi ra biển lớn hay không. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn huy động vốn theo kiểu truyền thống, chủ yếu thông qua đi vay, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán chưa phát huy hiệu quả và việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán quốc tế còn quá xa lạ, trong khi. Đây là kênh huy động vốn vừa hợp pháp lại vừa đúng với xu thế toàn cầu hóa, và hội nhập. Với kênh huy động này, tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu và các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu rõ hoặc vẫn chưa dám ra.”

Vì vậy, giải pháp được các chuyên gia kiến nghị đối với cơ quan quản lý là nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, ban hành văn bản pháp lý cung cấp hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực này và tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý khác trong khu vực về các vấn đề có liên quan đến công tác giám sát, trao đổi thông tin. Đồng thời, các cấp quản lý có liên quan nên tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho thị trường theo hướng tăng cường khả năng kết nối, liên kết nhằm tăng hiệu quả giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết tại thị trường nước ngoài của doanh nghiệp trong nước.

“Đối với doanh nghiệp, cần cân nhắc kỹ thị trường mục tiêu về quy mô và độ sâu, phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, áp dụng các quy định và thông lệ quản trị công ty tốt nhất theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực quản lý, hoạt động tài chính nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán nước ngoài” ông Cảnh nói.

Tìm hiểu và hướng đến thị trường vốn quốc tế là một cách làm đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm trong lúc thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy khởi sắc và thị trường tiền tệ bị thắt chặt.

* Một SPAC (Specified purpose acquisition company) là một công ty được thành lập với mục đích hợp nhất với môt công ty đang hoạt động (công ty mục tiêu). SPAC huy động vốn thông qua một đợt IPO và có thể được niêm yết tại mọi sở giao dịch chứng khoán ở Mỹ.

* Cơ cấu của SPAC: phần lớn SPAC bao gồm 1 cổ phiếu phổ thông và 1 chứng quyền.

* Vốn được huy động cho mục đích duy nhất là mua thâu tóm/cung cấp tài chính cho một công ty có hoạt động thực sự.

* Sau khi sáp nhập, công ty mục tiêu sẽ được niêm yết chính thức trên Sở giao dịch chứng khoán Mỹ.

* Thông thường, công ty mục tiêu sẽ trở thành cổ đông chính thông qua cơ chế cổ phiếu tăng thêm (công ty mục tiêu sẽ có cổ phần ưu đãi trong vài năm nếu công ty đạt được mục tiêu tài chính sau khi sáp nhập).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate