Cụ thể, Cục thuế Thanh Hóa hủy tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Ngô Dương Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân - VNECO. Lý do hủy tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp do ông Đức làm người đại diện theo pháp luật không còn nợ thuế thuộc diện phải cưỡng chế. Cơ quan thuế đã ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định hành chính cưỡng chế thi hành về quản lý thuế đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO.
Dự án Thủy điện Hồi Xuân (Thanh Hóa) được phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã tại Quyết định số 1195/QĐ-NLDK, ngày 31-3-2005; được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII) phê duyệt tại các Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án này có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 3.300 tỷ, đến nay tổng mức đầu tư dự án đã lên tới 5350 tỷ đồng, hiện khối lượng thi công đã đạt 93% khối lượng công việc nhưng bất ngờ lâm vào tình cảnh chậm tiến độ, thi công dở dang, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án.
Trong đó, có hơn 655 ha đất trong vùng lòng hồ dự án thủy điện bị ảnh hưởng, và hàng ngàn hộ dân bị tác động. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoặc chưa có khu tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Dự án Thuỷ điện Hồi Xuân có quy mô công suất khá lớn, đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 -2015, có xét đến năm 2025. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hoá, là nguồn điện nền, điện sạch đóng góp quan trọng vào cung ứng điện năng cho khu vực miền Trung và cả nước.
Tuy nhiên, dự án đã bị dừng thi công từ 4 - 5 năm nay, gây hệ lụy rất lớn, phá vỡ cân đối điện quốc gia giai đoạn 2020 - 2025; ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Xem xét khó khăn của thủy điện Hồi Xuân, có thể thấy điểm nghẽn chính của dự án là những khó khăn liên quan đến tài chính. Việc dự án thi công kéo dài, “đắp chiếu” suốt nửa thập kỷ khiến gánh nặng tài chính càng đè năng lên vai chủ đầu tư.
Hiện nay, dù dự án chưa biết bao giờ mới có thể vận hành, hàng chục hạng mục còn dang dở nhưng khoản thanh toán cho Tổ chức đảm bảo thanh toán đa biên (MIGA) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới hàng trăm tỷ mỗi năm khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc.
Cứ 6 tháng một lần, chủ đầu tư lại phải vay từ Quỹ Tích lũy trả nợ của Chính phủ xấp xỉ 6 triệu USD để làm nghĩa vụ thanh toán Quốc tế. Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã phải ứng vốn Quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ: 46.579.717,55 USD (tương đương khoảng 1.089 tỷ đồng); nợ phí bảo lãnh Chính phủ 1.771.575,49 USD (tương đương khoảng 41,791 tỷ đồng).
Mấu chốt lớn nhất khiến dự án đang gặp bế tắc chính là khoản vay thương mại trong nước giữa VNECO và Ngân hàng Argribank chưa tìm được tiếng nói chung.
Xuyên suốt quá trình đầu tư của dự án, có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến dự án lâm vào hoàn cảnh “chết lâm sàng” hiện nay chính là việc đàm phán hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN kéo dài khiến doanh nghiệp không thể thu xếp tài trợ của các tổ chức tín dụng trong nước. Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì tháng 6/2021, hợp đồng mua bán điện số 06/2021/HĐ-NMĐ-Hồi Xuân với giá bán điện đảm bảo để đưa nhà máy vào vận hành.
Cho đến thời điểm này, khi chủ đầu tư đang phải rất khó khăn, dự án có thể bị “khai tử” bất cứ lúc nào thì điểm nghẽn chính là việc Agribank thông qua khoản vay 785 tỷ đồng để doanh nghiệp tiếp tục thi công các hạng mục còn dang dở, sớm đưa dự án vào vận hành, tạo ra dòng tiền để thanh toán các khoản vay đã nêu ở trên.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải nhanh chóng thu xếp 104 tỷ vốn chủ sở hữu còn thiếu cũng như nỗ lực tối đa, tranh thủ sự hỗ trợ Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Agribank và tỉnh Thanh Hóa thì dự án mới có cơ may tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.