August 22, 2022 | 11:02 GMT+7

Huyện Củ Chi lên thành phố trực thuộc TP.HCM: Mới dừng ở việc nghiên cứu

Ban Mai -

Huyện Củ Chi nên được nghiên cứu phát triển đô thị theo cụm, không nên tách riêng với khu vực lân cận…

Địa phận huyện Củ Chi, TP.HCM.
Địa phận huyện Củ Chi, TP.HCM.

Hơn 30 kiến nghị từ UBND huyện Củ Chi đối với UBND TP.HCM về các dự án đầu tư “treo” trên địa bàn huyện cần giải quyết gấp đề đảm bảo đời sống cho người dân tại đây…

HƠN 30 KIẾN NGHỊ VỀ CÁC DỰ ÁN "TREO"

Tại buổi làm việc của đoàn công tác của UBND TP.HCM với UBND huyện Củ Chi về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết huyện đã kiểm tra, rà soát xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng kéo dài và các trường hợp tách thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện. Các vi phạm về đất đai, xây dựng được giải quyết triệt để, trả lại hiện trạng theo quy định trước khi thực hiện các thủ tục biến động về đất đai, chuyển quyền sử dụng đất…

Trong 5 tháng cuối năm 2022, cùng với việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn, huyện Củ Chi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, kế hoạch triển khai 3 đề án, dự án: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Đề án đầu tư - xây dựng huyện Củ Chi thành thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020 – 2025.

Huyện Củ Chi lên thành phố trực thuộc TP.HCM: Mới dừng ở việc nghiên cứu - Ảnh 1
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM - Ảnh: CPV.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho huyện Củ Chi, bà Hiền đã kiến nghị với UBND TP.HCM hơn 30 nội dung. Cụ thể, tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết nối hạ tầng khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, kiến nghị UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư khu tái định cư phục vụ dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp Tây Bắc của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp – Thương mại Củ Chi…

Đối với dự án công viên Sài Gòn Safari, UBND huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật 161/275 nền tái định cư (giai đoạn 1) theo Quyết định số 2046/QĐ-UBND của UBND thành phố. Còn lại 114 nền tái định cư chưa thể xây dựng hạ tầng kỹ thuật, do còn 1 hộ chưa thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vì chưa thực hiện bố trí nền tái định cư theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013.

Để đảm bảo đầy đủ pháp lý, thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định và hoàn thành tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn huyện, kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho UBND huyện Củ Chi giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 161/275 nền tái định cư (giai đoạn 1) đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và đủ điều kiện tái định cư, để làm cơ sở cưỡng chế thu hồi đất đối với 1 hộ còn lại và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng 114 nền tái định cư nữa (giai đoạn 2).

Đối với dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Phước Hiệp), quy mô 197,2ha, nhân dân Củ Chi phải chịu ảnh hưởng rất lớn về mùi hôi do hoạt động của Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn hơn 17 năm qua.

Mặc dù, các đơn vị hoạt động trong Khu Liên hợp đã đầu tư xử lý vấn đề môi trường, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa khắc phục triệt để, nhất là mùi hôi khó chịu phát sinh ra ngoài khu vực dân cư sinh sống xung quanh. Bên cạnh đó, đất đai bị ô nhiễm không canh tác được phải bỏ hoang gây ảnh hưởng đến đời sống của 244 hộ dân.

Để giảm thiểu tác động từ mùi hôi ra khu dân cư xung quanh, UBND TP.HCM đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly (giai đoạn 2) thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố để tạo quỹ đất xây dựng Khu xử lý chất thải và trồng cây xanh cách ly.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Củ Chi đã ban hành 350 thông báo thu hồi đất và tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm 231 trường hợp từ tháng 5/2019. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.

Do đó, bà Hiền kiến nghị UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan xem xét bố trí vốn cho chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện dự án nhằm ổn định tình hình xã hội đời sống nhân dân và hạn chế mùi hôi phát sinh từ bãi rác.

GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM KIẾN NGHỊ TRONG THÁNG 9

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đề án phát triển huyện Củ Chi lên thành phố trực thuộc TP.HCM hiện nay chỉ đang dừng lại ở việc nghiên cứu. Tuy nhiên, huyện không nên tư duy phát triển thành thành phố một mình, mà nghiên cứu phát triển đô thị theo cụm, không nên tách riêng với khu vực lân cận. Nếu nhìn theo hướng phát triển TP.HCM thành thành phố đa tâm thì Củ Chi nằm trong một cụm đô thị phía Tây Bắc.

Theo ông Phan Văn Mãi, cần phải tính đến việc nếu Củ Chi là vùng đô thị phía Tây Bắc, phải có vai trò với miền Đông, miền Tây như thế nào. Củ Chi là một cửa ngõ rất quan trọng để TP.HCM giao tiếp với vùng miền. Khi góp ý cho quy hoạch, phải tư duy rộng cho sự phát triển chung cho cả vùng.

“Huyện Củ Chi cần quan tâm phát huy các lợi thế về đất đai, về các điều kiện tự nhiên. Hiện đất nông nghiệp huyện còn 61%. Trong thời gian tới, cần định hướng phát triển nông nghiệp như thế nào. Huyện cần loại bỏ tư duy chuyển đất nông nghiệp sang đất đô thị, phải giữ lại cơ cấu nông nghiệp để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có giá trị cao. Ngoài ra, cần quan tâm đến hạ tầng sinh thái, đô thị sinh thái…”, ông Mãi nói.

Đối với đề xuất kiến nghị của huyện Củ Chi, ông Mãi đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết dứt điểm trong tháng 9/2022.

Liên quan đến kết luận 08, ông Phan Văn Mãi cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng của thành phố. Trong đó, dự án Sài Gòn Safari nằm trong danh sách 08 vụ việc lớn cần tập trung giải quyết. Sắp tới, Phó Bí thư Thành ủy sẽ làm việc với Củ Chi về vấn đề này. Thành phố đang giao các cơ quan chức năng để xử lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate