Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong hợp tác kinh tế và thương mại. Hai nước cũng gắn bó mật thiết trong việc cùng thúc đẩy tăng trưởng cũng như định hình một viễn cảnh phồn vinh cho kinh tế Châu Á.
Quy mô và mật độ hợp tác đầu tư kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng. Thương mại song phương cũng tăng trưởng đáng kể, đạt mức kỷ lục 234,9 tỉ USD năm 2022. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN từ năm 2016, và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam suốt từ năm 2004.
Đồng thời, vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2022, đạt mức 11,7 tỷ USD, bao quát nhiều lĩnh vực ngành nghề như chế tạo sản xuất, giao thông vận tải, bán lẻ, chăm sóc y tế, và tài chính.
CHIA SẺ LỘ TRÌNH TƯƠNG ĐỒNG
Cả hai quốc gia đều thành công gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trong thập niên đầu của thế kỷ 21, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị và công nghiệp toàn cầu. Sau hai thập niên nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc và ngày càng vững chắc nhờ vào cải tiến sáng tạo và chế xuất chất lượng cao.
Song song đó, Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ thần tốc trong ngành sản xuất chế tạo. Sự tăng trưởng song phương này tạo ra một hiệu ứng đồng vận, góp phần cải thiện và nâng cao mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hiện tại, hai nước đã phát triển được một mô hình bổ trợ tăng trưởng công nghiệp lẫn nhau.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hàng đầu thế giới và Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất về sản phẩm trung gian cho Việt Nam. Cụ thể, khoảng 54% lượng máy móc, 52% lượng vải dệt, và 40% lượng linh kiện điện thoại di động tại Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc. Các mắt xích công nghiệp và chuỗi cung ứng này kết nối chặt chẽ với nhau, đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia, củng cố khả năng phục hồi cho nền kinh tế khu vực và góp phần ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong công cuộc cải cách kinh tế, hai nước cũng thực hiện lộ trình tương tự nhau, tăng cường sự trao đổi và hợp tác về cải cách doanh nghiệp nhà nước. Kể từ cuối thập niên 1990, Trung Quốc đã chấn hưng nhiều doanh nghiệp quốc doanh thông qua tái cấu trúc và niêm yết trên sàn chứng khoán nội địa và quốc tế.
Việt Nam đã và đang tích cực cải cách doanh nghiệp nhà nước, tham khảo và vận dụng những bài học giá trị từ kinh nghiệm của Trung Quốc. Năm 2022, hai nước đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, nhằm hướng dẫn, chỉ đạo hợp tác và đối thoại sâu sắc hơn trong công cuộc cải cách khu vực kinh tế quốc doanh.
Có thể nói, triển vọng hợp tác Việt-Trung trong tương lai ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghiệp, cải tiến công nghệ, và cải cách doanh nghiệp quốc doanh là rất lớn. Lãnh đạo hai nước cùng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong nền kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới, chuyển dịch năng lượng, và cơ sở hạ tầng thông qua những sáng kiến như “Vành đai và Con đường”, “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế” hướng đến việc nâng cao chất lượng phát triển kinh tế và thương mại song phương.
HƯỚNG TỚI HỢP TÁC TẦM CAO MỚI
Là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất và quốc tế hoá cao nhất Trung Quốc, CICC đã và đang chứng kiến những bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi thị trường, tích cực tham gia cải cách nhiều doanh nghiệp quốc doanh, duy trì mối quan hệ hợp tác mật thiết với các doanh nghiệp đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, và thiết lập mạng lưới quan hệ sâu rộng với nhiều nhà đầu tư tổ chức hàng đầu thế giới.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lịch sử để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, và trao đổi, hợp tác công nghiệp và nguồn vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiến vào giai đoạn mới. Vào thời khắc quan trọng khi quan hệ giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới, CICC mong muốn tận dụng năng lực chuyên môn nhằm thúc đẩy cải cách công nghiệp và cải tổ thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn xuyên quốc gia, thực hiện vai trò cầu nối cho hợp tác công nghiệp và tài chính giữa hai nước. CICC cam kết thực hiện sứ mệnh chuyển đổi một mô hình phát triển đa dạng, tương hỗ, có lợi cho cả hai bên, biến tầm nhìn chung thành kết quả thực tế.
Năm 2022, CICC đã thiết lập quan hệ với nhiều đối tác Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi được cơ quan chức năng Việt Nam cấp phép thành lập văn phòng đại diện CICC Việt Nam trong thời gian gần đây. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là khởi đầu mới cho CICC trong hành trình tham gia vào công cuộc hợp tác kinh tế và nguồn vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng là cam kết của chúng tôi nhằm bồi dưỡng, vun đắp cho hợp tác đầu tư giữa hai nước. CICC vững tin vào triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam, và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức từ cả hai nước nhằm cống hiến tri thức và năng lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.