April 05, 2016 | 10:39 GMT+7

Hy vọng tân Thủ tướng “một tên bắn trúng nhiều thỏ”

Nguyên Vũ

Đại biểu Quốc hội trao đổi với báo chí trước thềm các phiên họp kiện toàn nhân sự Chính phủ

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
“Tôi hy vọng tân Thủ tướng sẽ đột phá vào chính bộ máy, từ đó sẽ làm được nhiều vấn đề khác, từ kỷ cương hành chính, chống tham nhũng, lãng phí... Tức là một mũi tên bắn trúng được rất nhiều con thỏ”, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An trao đổi với báo chí trước thềm các phiên họp kiện toàn nhân sự Chính phủ.

Tôi nghĩ rằng trong nhiệm kỳ tới, đồng chí tân Thủ tướng sẽ có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể từng năm một và từng muc tiêu từng năm một, chứ không thể như bây giờ, dàn trải lan man quá, bà An nói.

Khen chê phải rõ ràng

Vậy theo bà thì đâu nên là ưu tiên của Thủ tướng mới, ngay từ năm đầu nhậm chức?

Năm đầu tiên, khi tiếp quản nhiệm kỳ của Thủ tướng cũ, Thủ tướng mới nên xem lại những vấn đề nổi cộm nhất mà vừa rồi đã được đề cập tại báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng và Chính phủ. 

Có thể bắt đầu việc đầu tiên là xem xét bộ máy, biên chế. Từ bộ máy, biên chế sẽ làm được bao nhiêu vấn đề khác, như kỷ cương hành chính, chống tham nhũng, lãng phí...

Tôi thì tôi nghĩ như thế, đương nhiên là bộ máy có hiệu quả rồi, kỷ cương hành chính tốt rồi thì phát triển kinh tế sẽ bền vững, chủ quyền sẽ được đảm bảo, tất cả mọi chuyện sẽ tốt theo.

Thật ra mà nói hoàn thiện thể chế là rất quan trọng nhưng phải là con người. Con người liên quan đến bộ máy, liên quan đến biên chế. 

Nói như vậy là là bà mong tân Thủ tướng đột phá vào chính bộ máy hiện tại?

Chính bộ máy đó. Tinh giảm bộ máy, bộ máy có hiệu quả hơn, con người làm việc tốt hơn, kỷ cương tốt hơn và từ đó mọi chuyện khác nó sẽ ổn.

Kỷ cương tốt hơn tức là trong phát triển kinh tế yêu cầu làm đúng quy hoạch là phải làm đúng quy hoạch, thu đúng chi đúng… tất cả đều liên quan đến kỷ cương. Không có gì có thể thoát khỏi con người cả, dù trang thiết bị có hiện đại mấy mà không có con người, thì máy cũng là máy thôi.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa rồi cũng có ý kiến cho rằng việc chưa có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ đã không tạo được động lực đột phá cho cá nhân?

Tôi thấy nhận xét đó cũng đúng đấy, vì chúng tôi đã đề nghị nhiều lần Thủ tướng cần đánh giá xem bộ nào làm tốt, ngành nào làm tốt, ai làm tốt, khen đúng chứ không nên nhận xét “một số địa phương, một số bộ ngành, một số cán bộ”...

Bây giờ là phải có địa chỉ cụ thể, mà muốn có địa chỉ cụ thể là Thủ tướng phải nắm thật chắc tình hình ở dưới, để bắt đầu có phân loại. Như thế thì nó có tác dụng động viên, còn tất cả đều chung chung thì sẽ rất là khó.

Vừa rồi nhiệm kỳ cũ các đồng chí không muốn kỷ luật ai, thương cán bộ, nhưng thật sự ra, nếu đi thẳng vào vấn đề thì xử lý tội phạm cũng là nhân đạo. 

Tất nhiên so sánh như thế là khập khiễng, nhưng mình muốn nói là phải có phân loại, khen chê rất minh bạch thì mới động viên được người tốt, và như thế mới có thể có động lực phấn đấu, còn nếu cứ chung chung thì rất là khó. 

Thế nên tôi rất mong là tân Thủ tướng làm được việc đấy, khen chê trong việc thi đua. Thi đua là phải đi phát hiện chứ không phải chờ làm hồ sơ lên, vì vừa rồi cử tri cũng kêu nhiều. Vừa mới khen xong thì có chuyện, thậm chí bị bắt, bị đi tù. Thế là vấn đề là gì? Khi khen không đúng là dân mất niềm tin. Khen chê cũng phải đúng. 

Nhưng muốn thế thì bộ máy phải rất hiệu quả, con người phải rất tinh nhuệ, rất chí công vô tư, rất là đúng tiêu chuẩn cán bộ thì mới làm được công việc đấy, nếu không thì tất cả mọi chuyện sẽ bị méo mó đi.

Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề nghị Thủ tướng mới khi tuyên thệ cần thể hiện quyết tâm chống tham nhũng một cách mạnh mẽ, bà có chia sẻ quan điểm này?

Tôi chia sẻ. Người ta gọi tham nhũng là giặc, giết được giặc thì sẽ bảo vệ được đất nước. Mà đây là giặc tham nhũng là nội xâm thì cũng phải giết thôi, vì giặc ngoại xâm và giặc nội xâm thường liên kết với nhau.

Tôi rất mong tân Thủ tướng sẽ nêu rõ được quyết tâm chống tham nhũng, cử tri sẽ rất mừng.

Làm sao chọn người chính xác

Về nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua thì bà nhìn nhận như thế nào?

Tuy không đồng đều nhưng có bộ, có ngành đã có đột phá. Đột phá trong chỉ đạo điều hành, đột phá trong hiệu quả chỉ đạo.

Ví dụ ngành giao thông, tuy vẫn còn một số việc phải bàn như việc đồng bộ trong các loại hình giao thông, hay là hiệu quả đầu tư, nhưng phải nói là nhiệm kỳ vừa rồi có sự đột phá trong ngành như hạ tầng giao thông phát triển. Trong công tác chỉ đạo cán bộ, các đồng chí đã dám công khai minh bạch, xử lý rất nhanh và xử lý đúng, cho nên cử tri rất khen. Hay việc bổ nhiệm cán bộ bằng cách thi tuyển vào những cấp cục, vụ, tôi cho rằng đấy là đột phá, vì vấn đề cán bộ là vấn đề số một trong công tác điều hành. 

Lấy ví dụ một ngành thôi, tôi cho đấy là đột phá. Và từ đó tôi thấy đột phá thể chể, công khai minh bạch thì cử tri rất khen, vì sự minh bạch mới giúp cử tri giám sát được, sự minh bạch mới để cho phân minh được, khen chê rõ ràng. 

Vậy lĩnh vực nào cử tri còn bức xúc vì chuyển biến còn chậm?

Tôi thì tôi nghĩ là phải nói đến công thương. Vì diện quản lý rộng quá. Nhưng vấn đề của ngành công thương phải nói đến hàng giả, hàng nhái, quản lý thị trường, quản lý chất độc, hàng cấm… vì Bộ Công Thương là một trong những bộ đầu mối cho nhập những thứ đó.

Hay là vấn đề triệt tiêu các yếu tố phi thị trường, tại sao để giá xăng dầu cứ chênh thế, tại sao quản thuế cũng không ổn, đặc biệt với tiêu thụ nông sản tôi cho là không ổn? Tại sao người nông dân cứ khổ mãi như thế? Từ cà phê, ca cao,thanh long, dưa hấu, hành tím… người sản xuất bán rất rẻ, nhưng đến người tiêu thụ lại rất đắt, tức là thương lái ăn. Tại sao Nhà nước lại không lo? Cứ để thương lái họ ép giá, thế là nông dân cứ khổ thôi. 

Hay là cái chuyện hàng đa cấp bây giờ cũng là chuyện quản lý của Bộ Công Thương chứ. Trách dân một phần thôi, quản lý Nhà nước thì mình phải có trách nhiệm chứ . Hay là vấn đề tín dụng đen, tại sao lại để như thế? Đấy không thể không nói đển quản lý nhà nước, trong đó ngành công thương có nhiều mặt phải rút kinh nghiệm. 

Từ những phân tích đó thì trong việc chọn thành viên Chính phủ mới, theo bà nên đặt tiêu chí nào ưu tiên lên hàng đầu?

Theo tôi, người trưởng ngành đầu tiên phải có tầm, để nhìn ra, để dự báo, sau đó phải có tâm và tổ chức thực hiện tốt phải biết lắng nghe dân, hiểu dân. Nói thì rất trừu tượng nhưng nếu anh không lấy sự hài lòng của dân mà làm thước đo chính của ngành mình, thì sẽ không đạt yêu cầu, vì mình ăn lương của dân nuôi cơ mà. 

Yêu cầu thì cao như thế, mà số lượng các bộ trưởng chuẩn bị được thay thế rất nhiều, đến bây giờ đại biểu đã có thông tin thế nào để việc phê chuẩn được chính xác?

Thật ra mà nói thì thông tin được cung cấp qua hồ sơ, đại biểu có trách nhiệm tìm hiểu. Tìm hiểu đầu tiên là vị trí tới yêu cầu cái gì, thứ hai là bản thân nhân sự đó trong những năm vừa rồi được giao nhiệm vụ gì, làm thế nào? Tôi phải kiểm tra qua thực tiễn, chúng tôi nghe qua chính cán bộ của ngành đấy, nghe cử tri xem họ đánh giá thế nào, để chúng tôi lựa chọn.

Về nhân sự cụ thể thì hiện giờ chúng tôi chỉ nghe bên ngoài loáng thoáng và thấy một số đồng chí đã trúng cử Trung ương 12 thì có thể sẽ kế cận.

Theo bà thì thông tin như vậy liệu có đủ để đại biểu bỏ phiếu phê chuẩn một cách tự tin không?

Thực ra nếu nói để đầy đủ thông tin để lựa chọn một cách chính xác là rất khó, nhưng đây cũng là việc lựa chọn nhân sự của các cấp rồi, và quy trình đó cũng đã chuẩn bị tương đối chuẩn xác. Cử tri sẽ giám sát xem các vị mới làm việc thế nào, và điều quan trọng là sẽ phải có cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm. 

Chúng tôi tha thiết mong rằng từng năm một có đánh giá từng ngành một cách minh bạch, và sự đánh giá này dựa trên cơ sở là sự hài lòng của dân, thông qua đại biểu Quốc hội.

Tôi nghĩ như thế các đồng chí thành viên Chính phủ mới sẽ nỗ lực hơn nhiều.

Nhiệm kỳ vừa qua, như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, mới đầu có rất nhiều tồn tại, nhưng sau khi lấy tín nhiệm, thì thấy rõ ràng hai đồng chí ấy có đột phá, các đồng chí đã biết khắc phục, có chuyển biến, và cử tri ghi nhận!
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate