November 29, 2024 | 16:12 GMT+7

ILO: Tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát

Thu Hằng -

Trong thời gian gần đây, tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát. Năm 2023, tiền lương thực tế toàn cầu tăng 1,8%, dự báo mức tăng này đạt 2,7% năm 2024, đây là mức tăng cao nhất trong hơn 15 năm qua, theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)...

Ảnh minh họa. Nguồn: ILO Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: ILO Việt Nam.

Báo cáo mới công bố ngày 28/11 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Tiền lương toàn cầu 2024 - 2025: Bất bình đẳng về tiền lương đang giảm trên toàn cầu?, đã cung cấp một cái nhìn chi tiết về xu hướng tiền lương trên toàn thế giới và ở các khu vực khác nhau, làm nổi bật những thay đổi trong bất bình đẳng tiền lương và tăng trưởng tiền lương thực.  

TĂNG TRƯỞNG TIỀN LƯƠNG KHÔNG ĐỒNG ĐỀU GIỮA CÁC KHU VỰC

Theo báo cáo mới của ILO, kể từ năm 2000 tới nay, mặc dù bất bình đẳng về tiền lương đã giảm ở khoảng 2/3 các quốc gia, và đã có xu hướng tích cực như vậy, nhưng chênh lệch tiền lương đáng kể vẫn tồn tại trên toàn thế giới. 

Báo cáo nhận thấy rằng kể từ đầu những năm 2000, khi so sánh mức lương của những người có thu nhập cao, với những người có thu nhập thấp, xét trung bình ở nhiều quốc gia, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương đã giảm với tốc độ trung bình từ 0,5% đến 1,7% mỗi năm, tùy thuộc vào thang đo được sử dụng.

Mức giảm đáng kể nhất ghi nhận được ở các nước có thu nhập thấp, với mức giảm trung bình hàng năm dao động từ 3,2% đến 9,6% trong hai thập kỷ qua.

Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương giảm chậm hơn ở nước giàu, với mức giảm hàng năm từ 0,3% đến 1,3% ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, và từ 0,3% đến 0,7% ở các quốc gia có thu nhập cao.

Hơn nữa, mặc dù bất bình đẳng tiền lương nhìn chung đã thu hẹp, mức giảm đáng kể hơn vẫn ghi nhận ở nhóm lao động làm công hưởng lương có mức lương cao trên thang lương.

Báo cáo cũng cho thấy rằng trong thời gian gần đây, tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát. Năm 2023, tiền lương thực tế toàn cầu tăng 1,8%, dự báo mức tăng này đạt 2,7% năm 2024, đây là mức tăng cao nhất trong hơn 15 năm qua.

Những kết quả tích cực như vậy đánh dấu sự phục hồi đáng kể khi so sánh với mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu âm -0,9% vào năm 2022, giai đoạn mà tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tăng trưởng tiền lương diễn ra không đồng đều giữa các khu vực. Các nền kinh tế mới nổi có mức tăng cao hơn các nền kinh tế tiên tiến.

Trong khi các nền kinh tế G20 tiên tiến ghi nhận mức giảm tiền lương thực tế trong hai năm liên tiếp (-2,8% năm 2022 và -0,5% năm 2023), tình hình tăng trưởng tiền lương thực tế vẫn tích cực trong cả hai năm ở các nền kinh tế G20 mới nổi (1,8% năm 2022 và 6,0% năm 2023).

Các mô hình tăng trưởng tiền lương theo khu vực có sự khác biệt đáng kể. Theo báo cáo ghi nhận, người lao động làm công hưởng lương ở Châu Á và Thái Bình Dương, Trung Á, Tây Á, và Đông Âu có mức lương thực tế tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

"Mức tăng trưởng tiền lương thực tế tích cực trở lại là một bước tiến đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng vẫn còn hàng triệu người lao động và gia đình họ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng tăng chi phí sinh hoạt, làm xói mòn mức sống của họ.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch tiền lương giữa các quốc gia, và trong cùng một quốc gia vẫn còn tồn tại ở mức cao không thể chấp nhận được”, Tổng Giám đốc ILO, ông Gilbert F. Houngbo cho biết.

CẢI THIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỂ GIẢM BẤT BÌNH ĐẲNG

Theo ILO, mặc dù có những tiến triển ghi nhận gần đây, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương tồn tại ở mức cao vẫn là một vấn đề cấp bách. Báo cáo cho thấy trên toàn cầu, mức lương của 10% người lao động được trả lương thấp nhất chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị tiền lương toàn cầu, trong khi mức lương của 10% người lao động được trả lương cao nhất chiếm gần 38% tổng tiền lương này.

Người lao động làm việc trong nhà máy. Ảnh: ILO.
Người lao động làm việc trong nhà máy. Ảnh: ILO.

Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương ghi nhận cao nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, với gần 22% người lao động làm công hưởng lương được xếp vào nhóm được trả lương thấp.

Tình trạng bất bình đẳng tiền lương tồn tại ở tất cả các quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, hiện 1/3 số lao động trên toàn cầu không phải là lao động làm công hưởng lương.

Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đa số người lao động là lao động tự làm, chỉ có thể tìm cơ hội kiếm sống trong nền kinh tế phi chính thức.

"Các chiến lược quốc gia nhằm giảm bất bình đẳng đòi hỏi phải tăng cường các chính sách và thể chế tiền lương. Nhưng quan trọng không kém, là cần thiết kế các chính sách thúc đẩy năng suất, việc làm thỏa đáng, và chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức”, bà Giulia De Lazzari, Chuyên gia kinh tế của ILO, và là một trong những tác giả chính của báo cáo, cho biết.

Báo cáo kết luận rằng để giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương, cần có chính sách tiền lương chặt chẽ, và hỗ trợ một cách có hệ thống hướng tới tăng trưởng công bằng.

Các khuyến nghị chính mà ILO đưa ra, bao gồm: Thiết lập tiền lương thông qua đối thoại xã hội. Theo đó, mức lương nên được thiết lập và điều chỉnh thông qua thương lượng tập thể hoặc hệ thống lương tối thiểu được thống nhất giữa Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.

Đồng thời, áp dụng cách tiếp cận dựa trên thông tin và bằng chứng. Việc thiết lập tiền lương nên tính đến nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế.

Thúc đẩy bình đẳng, cơ hội bình đẳng trong đối xử và hưởng thành quả: Chính sách tiền lương cần hỗ trợ bình đẳng giới, công bằng và không phân biệt đối xử.

Sử dụng dữ liệu tốt: Các quyết định đưa ra phải dựa trên dữ liệu và số liệu thống kê đáng tin cậy.

Hơn hết, ILO nhấn mạnh cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề lương thấp. Chính sách quốc gia phải phản ánh tình hình cụ thể của từng quốc gia, và giải quyết nguyên nhân của vấn đề lương thấp, như việc làm phi chính thức, năng suất thấp và việc đánh giá thấp giá trị công việc trong một số lĩnh vực, như nền kinh tế chăm sóc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate