Mức độ suy giảm kinh tế của khu vực châu Á trong năm 2020 sẽ tệ hơn dự báo trước đây, do nhiều nền kinh tế mới nổi trong khu vực sụt giảm mạnh dưới tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Đây là nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế châu Á-Thái Bình Dương công bố ngày 21/10.
Bản báo cáo dự báo kinh tế châu Á suy giảm 2,2% trong năm nay, tệ hơn mức dự báo giảm 1,6% mà IMF đưa ra trong báo cáo hồi tháng 6. Đánh giá này đi ngược lại quyết định của IMF mới đây nâng triển vọng kinh tế toàn cầu 2020.
IMF nói rằng việc giảm dự báo về kinh tế châu Á "phản ánh một sự co cụm mạnh hơn, chủ yếu là ở Ấn Độ, Philippins và Malaysia". Báo cáo cho biết thêm Ấn Độ và Philippines đã trải qua một đợt sụt giảm "đặc biệt mạnh" trong hoạt động kinh tế trong quý 2, "do số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng và các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trên diện rộng".
Định chế có trụ sở ở Washington dự báo kinh tế Ấn Độ giảm 10,3% trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2021, tệ hơn mức giảm 4,5% đưa ra trong dự báo hồi tháng 6.
Kinh tế Philippines được cho là sẽ suy giảm 8,3% trong 2020, sâu hơn mức dự báo giảm 3,6% đưa ra trong báo cáo trước.
Kinh tế Malaysia được dự báo giảm 6% năm nay, so với mức dự báo giảm 3,8% trong báo cáo cách đây 4 tháng.
Tuy nhiên, không phải nền kinh tế châu Á nào cũng bị IMF hạ dự báo tăng trưởng. Theo báo cáo, hoạt động kinh tế trong khu vực đang diễn ra ở "nhiều tốc độ khác nhau", trong đó dẫn đầu là Trung Quốc - quốc gia đầu tiên phát hiện các ca nhiễm Covid-19.
Trung Quốc là một trong số ít những nền kinh tế ở châu Á được dự báo tăng trưởng năm nay. Lần dự báo này, IMF cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 1,9% trong 2020, so với mức dự báo tăng 1% đưa ra hồi tháng 6, nhờ "sự phục hồi mạnh hơn dự kiến trong quý 2".
"Sau khi chạm đáy vào tháng 2/2020, tăng trưởng của Trung Quốc đã nhận được một cú huých từ đầu tư hạ tầng, đầu tư bất động sản, xuất khẩu tăng mạnh, chủ yếu ở cá mặt hàng thiết bị y tế và đồ bảo hộ, cũng như doanh số các sản phẩm điện tử phục vụ cho những người làm việc tại nhà", báo cáo của IMF được hãng tin CNBC trích dẫn. "Tiếp đó là sự hồi phục dần của hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực khác ngoài nhà đất và hoạt động tiêu dùng".
IMF dự báo trong năm 2021, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc, đạt mức tăng trưởng cả năm 8,2%.
Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế châu Á được IMF dự báo đạt mức tăng trưởng tốt trong năm nay và năm tới. Theo đó, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam tăng 1,6% trong 2020 và 6,7% trong 2021.
IMF cho rằng một sự phục hồi mạnh hơn của Trung Quốc, cũng như ở Mỹ và châu Âu, sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế châu Á, nhưng để khu vực này trở lại với mức độ hoạt động kinh tế như trước đại dịch sẽ là "quá trình dài và khó khăn".
IMF dự báo năm 2021, kinh tế châu Á sẽ đạt mức tăng 6,9%, cao hơn mức dự báo tăng 6,6% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, IMF nói rằng sản lượng kinh tế khu vực có thể tiếp tục ở dưới mức trước đại dịch thêm một thời gian nữa do "hiệu ứng đóng sẹo" của dịch Covid-19.
Những hiệu ứng như vậy là tổn thất trung đến dài hạn mà các nền kinh tế hứng chịu sau một cú sốc nghiêm trọng.
IMF đã lý giải về "hiệu ứng đóng sẹo" của trận dịch đối với kinh tế châu Á. Thứ nhất, nỗi sợ nhiễm bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội đang gây suy giảm niềm tin người tiêu dùng, dẫn tới hoạt động kinh tế bị ghìm giữ ở mức thấp cho tới khi có vaccine phòng bệnh.
Thứ hai, các chỉ số về thị trường lao động đang xấu đi nhiều hơn so với thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu, với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh ở lao động nữ và lao động ở độ tuổi trẻ hơn.
Và thứ ba, nhiều nền kinh tế châu Á có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu ớt, đóng cửa biên giới, và căng thẳng Mỹ-Trung đã làm suy giảm triển vọng về một sự hồi phục kinh tế do thương mại dẫn đầu.