July 16, 2022 | 11:18 GMT+7

IMF: Đến năm 2023, lạm phát toàn cầu sẽ được kiểm soát

An Huy -

“Ở thời điểm hiện tại, lạm phát sẽ tiếp tục đi lên, chúng ta vẫn cần phải đổ nước để dập ngọn lửa lạm phát”, người đứng đầu IMF nhấn mạnh...

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva - Ảnh: Getty/CNBC.

Lãi suất trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2023, khi lạm phát bắt đầu “giảm nhiệt” do nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định ngày 15/7.

Giá hàng hoá cơ bản, chẳng hạn như dầu thô, có thể đã qua đỉnh và bắt đầu giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bà Georgieva nói rằng diễn biến này của giá hàng hoá cơ bản chẳng qua là do nguy cơ suy thoái kinh tế, và chưa chắc do lạm phát đã được khống chế.

“Các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát. Đó là một ưu tiên của họ. Họ cần phải duy trì nỗ lực này cho tới khi các kỳ vọng lạm phát thực sự được ghìm giữ một cách chắc chắn”, hãng tin CNBC dẫn lời người đứng đầu IMF tại hội nghị nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Bali, Indonesia vào hôm thứ Sáu.

“Ở thời điểm hiện tại, lạm phát sẽ tiếp tục đi lên, chúng ta vẫn cần phải đổ nước để dập ngọn lửa lạm phát”, bà nhấn mạnh.

Trong lúc những nút thắt chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra còn chưa được tháo gỡ, chiến tranh Nga-Ukraine khiến tình hình càng thêm phần tồi tệ. Hệ quả là giá nhiều hàng hoá cơ bản đã tăng vọt trong năm nay, như lương thực-thực phẩm, phân bón và năng lượng.

Giá lương thực-thực phẩm toàn cầu vốn dĩ đã tăng từ trước đại dịch và chiến tranh, nhưng hai sự kiện này đã đẩy tốc độ tăng giá đó lên một nấc mới. Tháng 3 và tháng 4 năm nay, giá lương thực-thực phẩm toàn cầu lập kỷ lục mọi thời đại, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Chỉ số giá lương thực-thực phẩm toàn cầu (Food Commodity Price Index) của WB trong tháng 3-4 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và tăng 80% so với thời điểm cách đó 2 năm.

Tại hội nghị G20 ngày 15/7, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết số người suy dinh dưỡng trên toàn cầu sẽ tăng thêm 7,6 triệu trong năm nay và tăng thêm 19 triệu người nữa trong năm 2023.

Một tín hiệu đáng mừng là giá dầu thô đã giảm từ mức 120 USD/thùng hồi đầu tháng 6 về vùng 100 USD/thùng trong tuần này. Khi chiến tranh mới nổ ra, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc đạt 147 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ lên tới 9,1% trong tháng 6 vừa qua, mức cao nhất hơn 40 năm. Phát biểu tại hội nghị G-20, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng mức lạm phát này là “cao không thể chấp nhận được”.

Các dữ liệu để xác định lạm phát thường có một độ trễ nhất định, nhưng bà Georgieva nói rằng tất cả những dấu hiệu hiện nay đều cho thấy lạm phát chưa được kiểm soát. Bà nói thêm rằng nếu lạm phát không được kiểm soát, thu nhập của người lao động sẽ bị bào mòn, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở những khu vực nghèo nhất của thế giới.

Nhắc lại những bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trước, bà Yellen phát biểu tại hội nghị rằng việc quan trọng là các chính phủ cần thiết lập và duy trì một “sổ tay” phản ứng chính sách nhằm “giảm thiểu độ dài và mức độ nghiêm trọng của các cuộc suy thoái kinh tế” cũng như “giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế đối với các doanh nghiệp và cá nhân”.

Nói về “sổ tay” của Indonesia, Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Sri Mulyani Indrawati nói tại hội nghị rằng kiểm soát nhu cầu là chìa khoá của giai đoạn hiện nay, bởi chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã đưa nhu cầu hồi phục trong khi nguồn cung chưa kịp hồi phục.

Chẳng hạn, Indonesia đã dỡ trần thâm hụt ngân sách - ở mức 3% so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) – trong vòng 3 năm để kích thích nền kinh tế chống chọi với những điều kiện bất thường do đại dịch gây ra, bà Sri Mulyani nói. “Chúng tôi thừa nhận rằng nhu cầu đã được thúc đẩy bởi chính sách như vậy”, bà nhấn mạnh.

“Hai năm trước, chúng tôi đã cố gắng cứu nền kinh tế khỏi sự sụt giảm của cả nguồn cung và nhu cầu do đại dịch gây ra”, vị Bộ trưởng phát biểu. “Nhưng giờ đây, sự phục hồi của nhu cầu đã vượt xa sự phục hồi của nguồn cung”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate