Trung Quốc sẽ giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm sắp tới, khi thế giới hồi phục từ trận đại dịch đến nay đã khiến khoảng 3 triệu người tử vong - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định.
Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 1/5 trong phần tăng thêm của tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu từ năm 2022-2026, hãng tin Bloomberg ước tính dựa trên dự báo do IMF công bố ngày 6/3. GDP toàn cầu được dự báo tăng thêm hơn 28 nghìn tỷ USD, đạt 122 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian này.
Năm ngoái, GDP toàn cầu giảm 2,8 nghìn tỷ USD, đánh dấu cú giảm mạnh nhất trong thời bình kể từ Đại suy thoái 1930.
Theo báo cáo của IMF, Mỹ và Ấn Độ sẽ hai nền kinh tế đóng góp nhiều thứ nhì và thứ ba vào tăng trưởng toàn cầu trong khoảng thời gian nói trên. Trong top 5 còn có sự góp mặt của Nhật Bản và Đức.
Định chế có trụ sở ở Washington cũng cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi sắp tới có thể sẽ không đồng đều, trong đó các nền kinh tế đang phát triển sẽ có mức độ mất mát lớn hơn và phục hồi chậm chạp hơn.
"Bất bình đẳng thu nhập có thể sẽ tăng mạnh do đại dịch", báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEF) của IMF có đoạn viết. "So với mức dự báo đưa ra trước đại dịch, ước tính có thêm gần 95 triệu người nữa rơi xuống dưới ngưỡng cực nghèo trong năm 2020".
Một lý do dẫn tới sự gia tăng khoảng cách này là tốc độ phục hồi nhanh hơn dự báo ở Mỹ. Đây là nền kinh tế lớn duy nhất mà IMF hiện đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 cao hơn so với mức dự báo đưa ra trước đại dịch.
Lãi suất tăng ở Mỹ có thể đặt ra nguy cơ đối với sự hồi phục của những nền kinh tế mới nổi có mức độ vay nợ cao và các nền kinh tế đang phát triển, chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF cảnh báo.
IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,4% trong năm nay, sau khi tăng 2,3% trong năm ngoái.
"Trung Quốc thực sự là một ngoại lệ theo nghĩa tích cực", Giám đốc phụ trách bộ phận thị trường tiền tệ và vốn của IMF, ông Tobias Adrian, nói với hãng tin CNBC.
Cũng theo báo cáo của IMF, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng 5,1% trong năm nay, trong đó mức dự báo dành cho kinh tế Mỹ là tăng 6,4%.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo tăng 6,7% trong 2021, trong đó kinh tế Ấn Độ có thể tăng tới 12,5%.
Lần cập nhật này, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng 6% trong năm 2021, so với mức dự báo tăng 5,5% đưa ra hồi tháng 1. IMF cho rằng sau đó, kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc dần, chỉ còn tăng 3% vào năm 2026.