Indonesia dự kiến nộp hồ sơ xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm nay nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Đây là thông tin được Bộ trưởng điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto chia sẻ bên lề Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản tuần trước.
Ông Hartarto cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa – đang đóng góp 60% GDP của Indonesia – sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ các quy định về cạnh tranh mà CPTPP đặt ra.
“Việc gia nhập CPTPP giúp chúng tôi dễ đạt được các mục tiêu về thương mại. Indonesia muốn có hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, nhưng các cuộc đàm phán song phương cần nhiều thời gian”, tờ Nikkei Aisa dẫn lời ông Hartarto từ sự kiện cho biết.
Indonesia có quá trình đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 7 năm và quá trình này hiện vẫn đang tiếp tục.
Theo Bộ trưởng điều phối kinh tế Indonesia, CPTPP hứa hẹn mang lại tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, trong bối cảnh quốc gia này đang dịch chuyển từ xuất khẩu vật liệu thô sang thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của Indonesia khi gia nhập hiệp định này là nguy cơ đối mặt giá năng lượng cao.
Indonesia dự kiến trải qua sự thay đổi chính trị lớn sau cuộc bầu cử tổng thống năm nay, khi ông Prabowo Subianto được dự báo có thể kế nhiệm ông Joko Widodo.
“Yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định ở Indonesia là sự ổn định về chính trị và xã hội”. ông Hartarto, nhấn mạnh. “Ưu tiên cải cách kinh tế của chúng tôi bao gồm cách cách khoa học và công nghệ, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện những cải cách về mặt cấu trúc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh ở Indonesia. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục kết hợp các động lực tăng trưởng truyền thống như phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh lương thực và hợp tác quốc tế với các động lực tăng trưởng mới”.
CPTPP thiết lập các quy tắc về thương mại phi thuế quan, đầu tư, cũng như dòng chảy dữ liệu. Hiệp định này được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các quốc gia trong hiệp định này có tổng dân số 495 triệu người và chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Vương quốc Anh đã được phê duyệt gia nhập hiệp định này.