Tập đoàn công nghệ khổng lồ Intel có kế hoạch chi 20 tỷ USD vào một trung tâm sản xuất chip lớn ở ngoại ô Columbus, Ohio. Công ty kỳ vọng trung tâm sẽ phát triển thành địa điểm sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Nhà sản xuất chip hôm thứ Sáu (21/1) cho biết họ sẽ bắt đầu xây dựng hai nhà máy chế tạo trên khu đất rộng 1.000 mẫu Anh ở New Albany, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2025. Giám đốc điều hành Pat Gelsinger cho biết công ty có trụ sở tại Santa Clara, California sẽ sử dụng địa điểm này như một trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip tiên tiến nhất của mình và dự định sẽ mở rộng gấp đôi quy mô.
Gelsinger, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu trên CNBC, cho biết dự án này rất quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô.
"Nói về ngành công nghiệp ô tô, chắc hẳn các nhà lãnh đạo ngành ô tô đang rất muốn thảo luận với chúng tôi, khi họ đang tìm cách xây dựng và đáp ứng nhu cầu chip”, Gelsinger nói.
"Tác động kinh tế của việc không có đủ chip để đáp ứng sự tăng trưởng của (nhu cầu) đó là lạm phát và tác động đến việc làm, vì vậy việc sản xuất thêm chip rất quan trọng để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô”.
Intel đã đầu tư hàng tỷ đô la vào công nghệ ô tô trong vài năm qua.
Sự thiếu hụt vi mạch toàn cầu đang diễn ra đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn Quốc hội phê duyệt 52 tỷ USD để mở rộng sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Biden và Gelsinger dự kiến sẽ nói chuyện cùng nhau về nhà máy sản xuất chip vào cuối buổi sáng thứ Sáu.
Theo các nhà phân tích, mặc dù trung tâm chip mới sẽ giải quyết những thách thức về nguồn cung lâu dài, nhưng sẽ không giúp giải tỏa ngay lập tức cho ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp khác hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vi mạch kinh niên kể từ đầu năm 2021 và có khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo hoan nghênh thông báo của Intel.
“Khoản đầu tư này là một thắng lợi lớn cho Intel, cho ngành sản xuất của Mỹ và cho người tiêu dùng Mỹ, những người mong đợi các sản phẩm sẽ có mức giá thấp hơn khi có thêm một nhà sản xuất chất bán dẫn giúp duy trì nền kinh tế”, Raimondo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Raimondo kêu gọi Quốc hội “nhanh chóng hành động” thông qua hàng tỷ đô la tài trợ cho sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rob Portman, R-Ohio, gọi kế hoạch này là một “khoản đầu tư lịch sử” cho Ohio và Mỹ. Thượng nghị sĩ cho biết Quốc hội Mỹ đang thảo luận để thông qua các đạo luật như Đạo luật CHIPS và Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới rộng lớn hơn của Mỹ.
"Đạo luật này sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ về công nghệ và truyền thông, quan hệ đối ngoại và an ninh quốc gia, sản xuất trong nước, giáo dục, thương mại và các vấn đề quan trọng khác", Portman cho biết trong một tuyên bố.
Tháng trước, Intel cho biết họ có kế hoạch tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng cho đơn vị công nghệ ô tô Mobileye của mình.
Mobileye, một công ty Israel mà Intel mua lại với giá khoảng 15 tỷ USD cách đây 5 năm, có thể được định giá hơn 50 tỷ USD trong đợt IPO tại Mỹ vào giữa năm 2022, một nguồn tin trước đó nói với Reuters.
Giám đốc điều hành của Intel đã lên tiếng về nhu cầu xây dựng thêm các nhà máy sản xuất chip ở Hoa Kỳ và Châu Âu, những khu vực sản xuất các linh kiện điện tử quan trọng đã giảm mạnh.
Gelsinger lập luận rằng cần phải tái cân bằng sản xuất để đảo ngược sự tập trung ngày càng tăng ở Đông Á.
Ông đã chỉ ra sự sụp đổ của chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ là bằng chứng cho thấy các chính phủ phương Tây cần thuyết phục các nhà sản xuất chip chuyển địa điểm về quốc gia của mình.