Theo South China Morning Post, việc IPO kỷ lục của hãng công nghệ tài chính Ant Group bị hoãn có thể khiến loạt ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới thất thu tổng cộng gần 400 triệu USD tiền phí.
Trước đó, Ant Group - do tỷ phú Jack Ma đồng sáng lập - dự kiến IPO đồng thời trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông, huy động ít nhất 34,5 tỷ USD - IPO lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, IPO của startup này bị sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông lần lượt đình chỉ.
IPO của Ant có sự tham gia bảo lãnh của hơn 20 ngân hàng đầu tư bao gồm Citigroup, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và CICC... và dự kiến chia nhau phí hoa hồng 1% giao dịch. Tính theo mức giá IPO cao nhất, số tiền phí mà các ngân hàng này dự kiến được hưởng lên tới 396,7 triệu USD. Con số này tương đương 1/5 doanh thu từ mảng đầu tư của Goldman Sachs trong quý 3.
Để so sánh, năm 2014, các ngân hàng bảo lãnh cho IPO của Alibaba cũng chia nhau số tiền phí 1,2% - tương đương 300 triệu USD. Trong khi đó, mức phí cho IPO lớn nhất lịch sử của Saudi Aramco năm 2019 là 0,25% giá trị giao dịch.
Bên cạnh khoản phí khổng lồ, danh tiếng của việc tham gia thương vụ niêm yết kỷ lục của Ant cũng là yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng. Nhưng giờ đây, đó là điều xa vời.
Vụ đình chỉ IPO của Ant theo sau IPO "hụt" của startup chia sẻ văn phòng WeWork tại New York vào năm ngoái cũng như hàng loạt vụ bê bối của các startup Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Luckin Coffee.
Trong thông cáo sau cuộc họp với lãnh đạo Ant, sàn chứng khoán Thượng Hải giải thích lý do đư ra quyết định đình chỉ thương vụ IPO.
"Gần đây, người nắm quyền kiểm soát, Chủ tịch và CEO của Ant đã được triệu tập và thẩm vấn bởi các cơ quan chức năng. Ant đã báo cáo những vấn đề quan trọng như thay đổi trong môi trường pháp lý về công nghệ tài chính. Những vấn đề này có thể dẫn tới việc Ant không đáp ứng được các tiêu chuẩn để niêm yết cổ phiếu hay các yêu cầu về công bố thông tin", thông cáo của sàn Thượng Hải có đoạn viết.
Động thái này cũng diễn ra không lâu sau khi các nhà lập pháp Trung Quốc công bố dự thảo quy định kiểm soát thị trường tài chính vi mô đang phát triển nhanh tại nước này, trong đó Ant cùng nhiều nền tảng số khác dùng dữ liệu lớn để giúp các ngân hàng tiếp cận và cấp khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, khách hàng cá nhân.
Theo các nhà phân tích, Ant có thể mất nhiều tháng để khôi phục kế hoạch niêm yết. Trong khi đó, công ty này phải trả lại 167,7 tỷ USD tiền đặt cọc mua cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân tại Hồng Kông.
"Chúng tôi cho rằng mục đích của việc đình chỉ IPO là cho Ant có nhiều thời gian hơn để đánh giá những ảnh hưởng của các quy định mới đến hoạt động kinh doanh tín dụng và định giá của công ty", Chelsey Tam, nhà phân tích chứng khoán cấp cao tại Morningstar, nhận định trong một báo cáo ngày 5/11. "Còn các nhà quản lý cũng cần thêm thời gian để làm rõ cách triển khai các quy định đó. Chưa rõ Ant sẽ tái cơ cấu mảng tín dụng của mình như thế nào, nhưng chúng tôi cho rằng định giá của công ty này sẽ giảm xuống".
Còn theo nhà phân tích Kevin Kwek của AllianceBernstein, việc bị đình chỉ IPO có ảnh hưởng tiêu cực nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy mô hình kinh doanh của Ant có vấn đề. Ông cho rằng công ty này có thể cần thêm thời gian để thay đổi cho phù hợp với các quy định pháp lý.
"Với các nhà đầu tư tin rằng Ant ứng phó tốt với các nhà quản lý, vụ trì hoãn này khiến họ hoài nghi về điều đó. Những rủi ro về pháp lý không hề nhỏ và những hoài nghi đó là tín hiệu xấu đối với Ant", ông Kwek bình luận.