March 25, 2018 | 10:34 GMT+7

IPO VTVcab và “miếng bánh” 1 tỷ USD của truyền hình trả tiền

Bạch Dương

Đến năm 2020, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền dự kiến đạt 800 triệu USD - 1 tỷ USD, doanh thu từ quảng cáo trên phát thanh, truyền hình cũng đạt khoảng 800 - 1 tỷ USD

VTVcab được định giá gần 12.500 tỷ đồng. Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tại đây sau cổ phần hoá.
VTVcab được định giá gần 12.500 tỷ đồng. Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tại đây sau cổ phần hoá.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố các tài liệu liên quan đến phiên đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab).

Theo đó, VTVcab sẽ bán ra 42,29 triệu cổ phần, tương ứng 47,84% cổ phần. Giá khởi điểm là 140.900 đồng/cổ phần. Như vậy, giá trị của phiên IPO lên tới 5.958 tỷ đồng.

Theo kế hoạch cổ phần hoá, VTVcab có vốn điều lệ 884 tỷ đồng, tương ứng với 88,4 triệu cổ phần. Như vậy, "ông lớn" truyền hình này được định giá lên tới 12.455 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa của VTVcab, Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 45 triệu cổ phiếu, tương ứng 51% vốn; IPO hơn 42 triệu cổ phiếu, chiếm 47,84%; bán cho cán bộ nhân viên là hơn 1 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,16% vốn.

VTVcab đang nắm những tài sản gì?

Theo quyết định của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam giá trị cổ phần hoá của VTVcab tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/12/2015 là 7.900 tỷ đồng. Trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 6.350 tỷ đồng.

Ảnh 1.

Về tình hình đất đai, VTVcab sở hữu 3 lô đất với tổng diện tích 334 m2 tại Hà Nội, Khánh Hoà, Tp. HCM được dùng làm trụ sở làm việc. Đây là đất thuê có trả tiền hàng năm.

Về đầu tư, VTVcab đang sở hữu 51% tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền hình Tương tác Việt Nam, 50,1% rại Công ty Cổ phần Phát triển thể thao VTVcab.

Ngoài ra, VTVcab còn sở hữu 39% tại VTVcab Nam Định, 25% tại Công ty TNHH Mua sắm tại nhà VTV - Hyundai, 20% tại Công ty Cổ phần Truyền thông quảng cáo đa phương tiện và 36% tại Công ty Cổ phần Truyền thông ON.

Về doanh thu, VTVcab có tốc độ tăng trưởng doanh thu khá chậm. Năm 2014 công ty đạt 1.969 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên 2.016 tỷ và năm 2016 đạt 2.144 tỷ đồng. Dịch vụ truyền hình cáp, net, HD, quảng cáo, bản quyền…chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này.

Ảnh 2.

Về lợi nhuận sau thuế, công ty có sự suy giảm đáng kể. Năm 2015, VTVcab đạt 130 tỷ lợi nhuận nhưng đến năm 2016, con số chỉ còn 76,5 tỷ.

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2016 đạt 2.602 tỷ đồng. Sau cổ phần hoá, VTVcab đặt mục tiêu doanh thu 2.949 tỷ đồng năm 2018 và tăng lên 4.458 tỷ năm 2022, lợi nhuận trước thuế tương ứng là 74 tỷ và  282,5 tỷ đồng.

Triển vọng truyền hình trả tiền từ "miếng bánh" 1 tỷ USD/năm

VTVcab là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong 4 năm từ 2013 - 2017, VTVcab có sự phát triển vượt bậc về số lượng thuê bao, chiếm lĩnh thị trường trên toàn quốc, trở thành đơn vị truyền hình trả tiền hàng đầu tại Việt Nam.

Hiện nay VTVcab có 70 chi nhánh, đơn vị hợp tác và cung cấp dịch vụ truyền hình cho hơn 50 tỉnh thành khắp nước, với khoảng 2,56 triệu thuê bao.

Nói về triển vọng của ngành truyền hình trả tiền, VTVcab cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2015, tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền đạt khoảng 25 -30%, giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến đạt khoảng 10 - 15%. Đến năm 2020, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền dự kiến đạt khoảng 800 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ quảng cáo phát thanh, truyền hình hằng năm tăng từ 15 - 20%, đến năm 2020 dự kiến khoảng 800 triệu USD - 1 tỷ USD.

Trong mục tiêu phát triển đến năm 2020, VTVcab sẽ cung cấp ổn định khoảng 70 - 80 kênh truyền hình quảng bá, trong đó có 10 -15 kênh thiết yếu quốc gia và 60 -65 kênh thông tin tuyên truyền thiết yếu địa phương. Với dịch vụ truyền hình trả tiền đến năm 2020 sẽ phát triển, khoảng 70 -80% số hộ giai đình thu xem dịch vụ này.

VTVcab sẽ ưu tiên phát triển truyền hình số mặt đất, di động mặt đất, số vệ tinh, kết hợp với mạng viễn thông đã có sẵn phù hợp với định hướng số hoá và xu hướng hội tụ công nghệ.

Trong định hướng phát triển dịch vụ trả tiền, truyền hình cáp sẽ phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tránh việc tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực truyền hình.

Không cấp phép mới dịch vụ truyền hình cáp sử dụng công nghệ tương tự, với truyền hình cáp truyền thống thì sẽ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp và tối đa không quá 5 doanh nghiệp trên phạm vi không trùng nhau về địa lý. Dịch vụ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh cũng chỉ hình thành tối đa 3 doanh nghiệp.

VTVcab dự kiến tăng trưởng gần 500.000 khách hàng, đạt hơn 2,1 triệu khách hàng trong năm 2021. Thuê bao internet tăng trưởng gần 600.000 khách hàng, đạt hơn 800.000 khách hàng trong năm 2021.

Cạnh tranh khốc liệt với Viettel, FPT, VNPT

Bản thân VTVcab cho biết, trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT, FPT.

"Hạ tầng truyền dẫn là khó khăn lớn nhất khi phụ thuộc nhiều vào đối tác mà cụ thể là các đơn vị viễn thông ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển các dịch vụ gia tăng, phát triển đa dịch vụ.

Xu hướng chuyển dịch nhu cầu truyền hình và giải trí của khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ. Với xu hướng đa dịch vụ trên một đường truyền, chủ động sử dụng dịch vụ thông qua mạng internet sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền", VTVcab lường trước những khó khăn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate