November 23, 2010 | 11:26 GMT+7

Ireland bất ngờ tuyên bố giải tán Chính phủ

An Huy

Thủ tướng Ireland, ông Brian Cowen, bất ngờ tuyên bố giải tán Chính phủ vào tháng sau

Thủ tướng Ireland (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Brian Lenihan - Ảnh: Getty.
Thủ tướng Ireland (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Brian Lenihan - Ảnh: Getty.
Chỉ một ngày sau khi đạt thỏa thuận giải cứu trị giá hơn 100 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thủ tướng Ireland, ông Brian Cowen, bất ngờ tuyên bố giải tán Chính phủ vào tháng sau. Tờ New York Times bình luận, động thái này có thể làm gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị trong lúc cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ lan rộng tại châu Âu.

Ngày 22/11, ông Cowen cho hay, Chính phủ của ông sẽ giải tán sau khi thông qua kế hoạch ngân sách 4 năm vào đầu tháng 12. Một cuộc bầu cử để tìm ra chính phủ mới sẽ được tổ chức vào đầu năm sau.

Hôm qua là một ngày u ám nữa đối với Ireland, bất chấp EU và IMF hôm 21/11 đã nhất trí tung “phao cứu sinh” cho chính phủ và hệ thống nhà băng của nước này. Trong ngày hôm qua, dòng người biểu tình chống các biện pháp thắt chặt chi tiêu công đã bao vây tòa nhà Quốc hội ở Dublin, trong khi hãng định mức tín nhiệm Moody’s cảnh báo sẽ cắt giảm nhiều hơn một bậc trong điểm tín nhiệm của Ireland.

Theo New York Times, với việc tuyên bố giải tán Chính phủ và chấp nhận một cuộc bầu cử mới, ông Cowen có vẻ như đã chắc chắn sẽ trở thành “nạn nhân chính trị” đầu tiên trong cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. Diễn biến này khiến thị trường tài chính và giới chính trị ở Eurozone lo ngại, vì các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mạnh tay nhằm giải quyết khủng hoảng nợ ở khu vực cho tới giờ vẫn chưa được “thử lửa” qua các cuộc tổng bầu cử.

Thêm vào đó, sự đổ vỡ Chính phủ Ireland sau gói giải cứu tốn kém của EU và IMF còn khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng ở châu Âu vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Giới phân tích cảnh báo rằng, những quốc gia nặng nợ ở châu Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vốn đang ra sức cắt giảm bội chi, có thể sẽ sớm phải đối mặt với một lựa chọn chẳng hề thoải mái: chịu sự “trừng phạt” của thị trường tài chính khi lãi suất vay vốn từ phát hành trái phiếu tăng cao, hoặc đương đầu với sự nổi giận của cử tri khi khó khăn kinh tế kéo dài.

“Cùng một câu chuyện sẽ xảy ra với tất cả các quốc gia này. Ireland chỉ là nước đi trước mà thôi”, ông Desmond Lachman, một cựu quan chức chính sách của IMF, nhận xét.

Ông Cowen đã chèo lái chính phủ của ông trong suốt 3 năm qua nhờ có kỹ năng chính trị tốt. Trong khoảng thời gian ông cầm quyền, kinh tế Ireland suy giảm, hệ thống ngân hàng suy sụp và Ireland buộc phải cầu viện sự giải cứu từ bên ngoài.

“Đôi khi nhu cầu cấp thiết phải phục vụ lợi ích dân tộc vượt lên những mối quan tâm khác, bao gồm lợi ích chính trị của đảng và lợi ích cá nhân. Đây là một trong những tình huống như vậy”, ông Cowen phát biểu.

Theo ông Cowen, trong kế hoạch ngân sách 4 năm sắp công bố, chính phủ của ông dự kiến giảm thâm hụt ngân sách từ mức 32% GDP hiện nay xuống 3% vào năm 2014, đồng thời chính phủ này sẽ cầm quyền cho tới khi kế hoạch ngân sách trên được bỏ phiếu thông qua vào ngày 7/12.

Kế hoạch ngân sách đề xuất tiết kiệm một khoản 8,2 tỷ USD nói trên được xem là rào cản lớn đầu tiên mà Ireland phải vượt qua, để đảm bảo sẽ được nhận tiền từ gói cứu trợ của EU và IMF nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia.

Tương lai chính trị của ông Cowen và đảng cầm quyền Fianna Fail của ông càng thêm phần mờ mịt, khi đảng Xanh tuyên bố sẽ từ bỏ liên minh này sau khi kế hoạch ngân sách được thông qua. 
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate