Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase ngày 3/3 dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 35% trong quý 2 và 7% trong năm 2022 trong bối cảnh phải chịu cú sốc tương đương với khủng hoảng kinh tế năm 1998.
“Mức giảm GDP từ đỉnh xuống đáy của Nga hiện được dự báo là khoảng 12%, tương đương với mức giảm 10% trong khủng hoảng năm 1998, 11% trong khủng hoảng năm 2008 và 9% do cú sốc Covid-19”, nhà phân tích Anatoliy Shal của JPMorgan viết trong báo cáo gửi khách hàng.
Ngân hàng Mỹ cũng dự báo xuất khẩu của Nga sẽ giảm khoảng 13%, trong khi nhu cầu nội địa và nhập khẩu lần lượt giảm khoảng 10% và 30%.
"Việc ngày càng bị cô lập về kinh tế và chính trị sẽ khiến Nga tăng trưởng chậm hơn trong dài hạn”, ông Shal nói. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ ở quanh mức 0 trong năm 2023 (so với mức -1% năm nay) và có xu hướng tăng trưởng khoảng 1% trong dài hạn”.
Năm 2021, tăng trưởng GDP của Nga đạt 4,7% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 - đánh dấu sự phục hồi ngoạn mục sau khi sụt tới 3% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch.
Quyết định tấn công quân sự vào nước láng giềng Ukraine khiến Nga hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhiều nước phương Tây khác. Các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành tài chính, năng lượng, vận tải Nga, trong đó có hạn chế xuất khẩu, cấm tài trợ thương mại, cấm tổ chức tài chính Nga thực hiện các giao dịch bằng đồng USD… Nga cũng bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Trước đó, JPMorgan cũng nhận định các lệnh trừng phạt đang làm gia tăng đáng kể nguy cơ vỡ nợ bằng đồng Đôla cũng như các khoản nợ chính phủ khác trên thị trường quốc tế của Nga.
Nga đang có khoảng 700 triệu USD trái phiếu chính phủ đáo hạn trong tháng này. Mặc dù về lý thuyết, quốc gia này có nguồn dự trữ dồi dào để thanh toán nợ, nhưng trên thực tế, việc một số tài sản bị đóng băng cùng với các lệnh trừng phạt khác khiến khả năng trả nợ bị ảnh hưởng.
"Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các thực thể của Chính phủ Nga, cùng với các biện pháp đáp trả của Moscow sẽ làm hạn chế khả năng thanh toán quốc tế và gây gián đoạn trong chuỗi thanh toán. Đây sẽ là những trở ngại với việc thanh toán trái phiếu quốc tế của Nga”, JPMorgan viết trong báo cáo gửi nhà đầu tư. “Các lệnh trừng phạt làm gia tăng đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu bằng USD của nước này”.
Thời hạn thanh toán cho hai lô trái phiếu 700 triệu nói trên là ngày 16/3 tới. Tuy nhiên, giống như phần lớn các khoản nợ khác của Chính phủ Nga, số trái phiếu này sẽ được gia hạn thêm 30 ngày, do đó, thời điểm vỡ nợ chính thức có thể rơi vào ngày 15/4.
Hiện tại, Moscow đang nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế bằng đồng USD. Dù con số này tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế Nga, việc mất khả năng thanh toán cho bất kỳ khoản nợ nào trong số này cũng châm ngòi cho một loạt vấn đề.
Các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn như S&P Global, Moody's và Fitch mới đây đồng loạt hạ xếp hạng của Nga.
JPMorgan ước tính Nga cũng có khoảng 6 tỷ USD hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) – được trái chủ mua như một chính sách bảo hiểm – phải thanh toán, dù quy trình này có thể phức tạp hơn do các lệnh trừng phạt.
Lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Nga lên cao sau khi Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tuần này cảnh báo rằng khoảng 50% trong dự trữ ngoại khối trị giá 640 tỷ USD của Nga có thể bị đóng băng do các lệnh trừng phạt quốc tế.
Capital Economics hôm 2/3 cảnh báo rằng việc Moscow vỡ nợ sẽ chủ yếu ảnh hưởng tới các nhà đầu tư quốc tế - nhóm đang nắm giữ khoảng 20 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD và đồng Rúp của Nga tính tới cuối năm ngoái, theo Ngân hàng Trung ương Nga (CRB). Đó là chưa kể tới việc uy tín trên thị trường quốc tế của Nga bị giảm sút nghiêm trọng.