July 08, 2022 | 17:05 GMT+7

KBC chính thức nắm quyền kiểm soát Công ty Quảng Yên

Hà Anh -

Công ty con của Kinh Bắc là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng vừa nâng sở hữu lên 86,54% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Công nghiệp Chế tạo Quảng Yên (Công ty Quảng Yên).

Sơ đồ giá cổ phiếu KBC thời gian qua.
Sơ đồ giá cổ phiếu KBC thời gian qua.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC - HOSE) thông báo về việc KBC nắm quyền kiểm soát Công ty Quảng Yên.

Theo đó, Công ty con của Kinh Bắc là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng vừa nâng sở hữu lên 86,54% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Công nghiệp Chế tạo Quảng Yên (Công ty Quảng Yên).

Như vậy, sau giao dịch Kinh Bắc cũng đồng thời kiểm soát Công ty Quảng Yên thông qua công ty con.

Được biết, Công ty Quảng Yên được thành lập ngày 7/7/2022 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh và hoạt động chính trong sản xuất động cơ, tua bin (trừ động cơ máy bay, ô tô, mô tô và xe máy).

Kết thúc quý 1/2022, KBC báo lãi giảm 27% so với cùng kỳ đạt 523,3 tỷ đồng chủ yếu là do doanh thu cho thuê khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3/2022, công ty có 15 công ty con - chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Mới đây, SSI Research đã có khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 1 năm là 40.300 đồng/cổ phiếu và giá đóng cửa cổ phiếu KBC ngày 8/7/2022 là 32.100 đồng/cổ phiếu.

Được biết, KBC vừa tổ chức ĐHCĐ năm 2022, giữ nguyên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022, ở mức lần lượt là 9,8 nghìn tỷ đồng (tăng 122% so với cùng kỳ) và 4,5 nghìn tỷ đồng (tăng 372% so với cùng kỳ) (không thay đổi so với kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng Hai).

Theo SSI Research, kế hoạch đầy tham vọng này dựa trên cơ sở sẽ bàn giao 102 ha đất KCN và 44 ha đất khu dân cư tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng và TP.HCM.

Về việc huy động vốn, KBC vẫn duy trì kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được thông qua trước đó tại ĐHCĐ bất thường. Theo đó, 150 triệu cổ phiếu (tương đương 26% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) sẽ được phát hành.

SSI Research dự kiến việc phát hành riêng lẻ sẽ được thực hiện không sớm hơn quý 4 năm nay. Cùng với đó, KBC mới đây đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:1 cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ từ 5,8 nghìn tỷ đồng lên 7,7 nghìn tỷ đồng vào tháng 6/2022.

Ước tính doanh thu năm 2022 của SSI Research cho hoạt động kinh doanh chính của công ty là 9,0 nghìn tỷ đồng (tăng 112% so với cùng kỳ), và lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 3,0 nghìn tỷ đồng (tăng 210% so với cùng kỳ). Hoạt động cho thuê đất tại KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, và bán hàng tại Khu đô thị Tràng Cát sẽ là động lực tăng trưởng chính.

Đối với năm 2023, SSI Research kỳ vọng các dự án này sẽ tiếp tục là nguồn thu chính cho công ty, trong khi đó, giai đoạn 3 của KCN Tràng Duệ và các KCN ở Long An cũng có thể bắt đầu tạo ra thu nhập. Do đó, doanh thu của KBC có thể lên đến 11,4 nghìn tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Mặc dù SSI Research lo ngại về việc pha loãng cổ phiếu và áp lực giảm giá cổ phiếu do phát hành riêng lẻ, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với mảng bất động sản KCN trong dài hạn với kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục ổn định. Với mức giá 31.800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 5/7), KBC đang giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2022 lần lượt là 10,6 lần và 1,4 lần, và P/E và P/B năm 2023 lần lượt là 9,1 lần và 1,2 lần - trước khi tính đến tác động của việc phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu.

Do đó, giá mục tiêu của chúng tôi là 40.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tiềm năng tăng giá là 27%, do đó, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC và rủi ro giảm giá chính là việc giao đất bị chậm hơn dự kiến do quy trình thủ tục của các dự án trọng điểm nêu trên bị kéo dài, đồng thời lạm phát đình trệ toàn cầu cũng có thể gây ảnh hưởng đến dòng vốn FDI tiềm năng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate