January 05, 2023 | 12:45 GMT+7

Kế hoạch kinh tế 8,7 nghìn tỷ USD của Dubai gồm những gì?

Trang Linh -

Dubai tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong thập kỷ tới và trở thành một trong 3 thành phố đứng đầu về kinh tế toàn cầu...

Thị trường bất động sản Dubai tăng trưởng nóng nhiều năm qua - Ảnh: CNBC
Thị trường bất động sản Dubai tăng trưởng nóng nhiều năm qua - Ảnh: CNBC

Chính quyền Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ngày 4/1 công bố một kế hoạch phát triển kinh tế khổng lồ trị giá 8,7 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và đưa Dubai trở thành một trung tâm toàn cầu.

“Dubai sẽ trở thành một trong 4 trung tâm tài chính toàn cầu với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên hơn 650 tỷ Dirham (khoảng 177 tỷ USD) trong thập kỷ tới”, Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum, Quốc vương Dubai chia sẻ trong một dòng đăng tải trên Twitter. “Hơn 300.000 nhà đầu tư toàn cầu đang giúp xây dựng Dubai trở thành một thành tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.

Trong bài đăng, Quốc vương Dubai cũng thông tin về một vài trong 100 “dự án chuyển đổi tương lai” được đưa vào kế hoạch kinh tế 10 năm nói trên. Kế hoạch hướng tới thúc đẩy giao thương quốc tế lên 25,6 nghìn tỷ Dirham, từ mức 14,2 nghìn tỷ Dirham của thập kỷ qua, đồng thời tăng gần gấp đôi vốn FDI hàng năm lên 60 tỷ Dirham và tăng chi tiêu chính phủ từ 512 tỷ Dirham trong thập kỷ qua lên 700 tỷ Dirham trong thập kỷ tới.

Kế hoạch cũng nhằm thúc đẩy đầu tư trong khu vực tư nhân tại Dubai tăng từ mức 790 tỷ Dirham của thập kỷ trước lên 1 nghìn tỷ USD vào thập kỷ tới, đồng thời cam kết đầu tư khoảng 100 tỷ Dirham mỗi năm cho nền kinh tế thông qua các dự án chuyển đổi số.

“Dubai muốn tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong thập kỷ tới và trở thành một trong 3 thành phố đứng đầu về kinh tế toàn cầu”, Quốc vương Dubai cho biết.

Thông tin về kế hoạch kinh tế trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Dubai thông báo chấm dứt chính sách thuế tới 30% đối với đồ uống có cồn - động thái được xem là nhằm thúc đẩy du lịch và kinh doanh.

Những năm gần đây, tiểu vương quốc này - vốn là kinh đô về thương mại và du lịch xa xỉ tại UAE - đã đưa ra một loạt cải cách nhằm thu hút người nước ngoài và các công ty quốc tế tới sinh sống và đầu tư.

Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum của Dubai - Ảnh: Khaleej Times
Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum của Dubai - Ảnh: Khaleej Times

Dù các mục tiêu kinh tế trên vấp phải không ít hoài nghi, nhiều chuyên gia tài chính ở Dubai tin rằng tiểu vương quốc này hoàn toàn có thể đạt được.

“Đây là một kế hoạch tham vọng, nhưng chẳng có lý do gì để nghi ngờ những mục tiêu đó nếu nhìn vào lịch sử kinh tế và quá trình cải cách của Dubai”, ông Tarek Fadlallah, Giám đốc điều hành tại khu vực Trung Đông của Nomura Asset Management, nhận định.

Theo ông Karim Jetha, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Longdean Capital có trụ sở tại Dubai, trong khu vực Dubai cũng phải cạnh tranh với nước láng giềng Saudi Arabia. Thời gian qua, Saudi Arabia đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD để rũ bỏ hình ảnh khép kín và bảo thủ, và thúc đẩy hoạt động du lịch, đầu tư nước ngoài.

“Những con số đó nghe có vẻ tham vọng nhưng Dubai chưa bao giờ thiếu tham vọng,” ông Jetha nói. “Khi các nước láng giềng như Saudi Arabia mở cửa và tìm cách thu hút nhiều hoạt động kinh doanh hơn trong khu vực, Dubai đang đặt ra mục tiêu cao hơn và cố gắng trở thành một trung tâm toàn cầu”.

Dubai từ lâu đã là một trung tâm của khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, gần đây, tiểu vương quốc này liên tục đổi mới để hội nhập sâu hơn với các khu vực khác trên thế giới. Dân số Dubai có tới 90% người nước ngoài với quốc tịch đa dạng. Nhiều năm qua, Dubai mang phong cách và chất lượng sống tương đương với các nước phương Tây, không áp thuế thu nhập và là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

Nằm trong định hướng đổi mới, toàn UAE gần đây đã thay đổi ngày cuối tuần theo đạo Hồi gồm thứ Sáu và thứ Bảy thành cuối tuần như phương Tây gồm thứ Bảy đến Chủ Nhật, để phù hợp với phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới. Quốc gia này cũng khởi động chương trình thị thực cho người lao động làm việc từ xa trong suốt địa dịch khi ngày càng nhiều người bắt đầu quen với cuộc sống làm việc từ xa.

Việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 sớm cho toàn bộ người dân từ đầu năm 2021 đã cho phép Dubai trở lại “cuộc sống bình thường” trong đại dịch sớm hơn nhiều so với hầu hết những nơi khác trên thế giới. Điều này giúp thu hút làn sóng cư dân và du khách mới. Lĩnh vực bất động sản Dubai cũng đang bùng nổ. Bên cạnh đó, tiểu vương quốc này gần đây được xếp hạng vào top 10 thành phố tốt nhất thế giới cho người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Theo ông Fadlallah của Nomura, trong khi phần lớn thế giới đang hướng tới một năm 2023 với triển vọng ảm đạm và tiêu cực với những dự báo về suy thoái kinh tế lan rộng, chi phí năng lượng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì các quốc gia vùng Vịnh nói chung được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ và được thúc đẩy bởi tham vọng đa dạng hóa nền kinh tế của mình.

“Tôi cho rằng các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang trải qua thời kỳ hoàng kim”, ông Fadlallah nói. “Các nền kinh tế của khu vực này chưa bao giờ lớn mạnh, đa dạng hóa và hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu như lúc này”.

GCC bao gồm các quốc gia Vùng vịnh Ba Tư: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate