Tại Việt Nam, nếu nói đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lập tức mọi người đều nghĩ tới ngay sản phẩm phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, đây không phải sản phẩm duy nhất và cách duy nhất để nhà đầu tư tham gia thị trường.
ĐƯA TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP VỀ ĐÚNG BẢN CHẤT
Ngày 16/9, sau hơn một năm tiến hành sửa đổi với 7 phiên bản dự thảo, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ.
Thông tin ban đầu phát đi từ Bộ Tài chính, Nghị định 65 được ban hành với mục đích chính là để hạn chế các rủi ro đang tồn tại trên thị trường trái phiếu. Trong đó, việc các nhà đầu cá nhân tìm đủ mọi cách tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tồn tại cần giải quyết nhanh nhất.
Theo đó, nghị định này đã cụ thể hoá và nâng cao hơn điều kiện để xác định là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Chi tiết hơn, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành chuyên nghiệp phải đảm bảo nắm giữ danh mục đầu tư có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng trong vòng 180 ngày. Khoản tiền 2 tỷ đồng này không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Đồng thời, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Chia sẻ tại tọa đàm Đối thoại chuyên đề "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, đặt vấn đề: "Gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp chưa hẳn đúng mà thực chất phải là nhà đầu tư đáp ứng điều kiện. Và tuỳ vào mức phát triển của thị trường mà nhà quản lý đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau".
Theo ông, chẳng hạn tại thời điểm ban hành Nghị định 153 trước đó, cơ quan quản lý thử đưa một vài tiêu chí để xác định là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lượng nhà đầu tư đáp ứng được tiêu chuẩn này rất nhiều và chưa lọc được bớt rủi ro như mong muốn. Vậy thì giờ đây, Nghị định 65 đã nâng tiêu chí xác định lên. Nếu chưa đáp ứng được mục tiêu chính sách thì có thể lại tiếp tục điều chỉnh.
Mặt khác, ông Quỳnh cho rằng mục đích chính của việc nâng quy định xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp là để đưa thị trường trái phiếu riêng lẻ về đúng bản chất. Bởi lẽ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nói rõ hơn, ông Quỳnh cho biết trên thị trường tài chính nói chung đều có bên cung và bên cầu. Trong đó, bên cung là các doanh nghiệp muốn huy động vốn. Song không phải doanh nghiệp nào cũng tốt, cũng được xếp hạng tín nhiệm AAA. Luôn có lớp doanh nghiệp hình thành mới có xếp hạng tín nhiệm thấp, độ rủi ro cao hơn. Đáng nói, bất cứ doanh nghiệp nào, trong giai đoạn phát triển nào cũng đều có nhu cầu huy động vốn.
Trái lại, ở bên cầu, nhà đầu tư cũng có khẩu vị rủi ro khác nhau. Từ ông quản lý quỹ có khẩu vị rủi ro cao, sẵn sàng đầu tư vào nhóm công ty startup. Cũng có nhà đầu tư thận trọng, chỉ dám đầu tư vào nhóm doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tốt, AAA trở lên.
“Với sản phẩm phát hành riêng lẻ, chỉ phù hợp với doanh nghiệp chưa đủ tự tin, chưa đủ năng lực phát hành ra công chúng. Và sản phẩm này cũng chỉ phù hợp với nhà đầu tư có khả năng chịu rủi ro cao, đó chính là các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, ông Quỳnh nói.
VẪN CÒN CÁC SẢN PHẨM KHÁC
Cũng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong kiến trúc tổng thể của thị trường tài chính, nhà quản lý đều xếp rõ ràng, sản phẩm nào, công cụ nào phải đi đi với đối tượng đầu tư nào để không ngăn cản sự phát triển của thị trường.
Nhìn chung, mỗi sản phẩm được thiết kế ra đều được mở con đường để tìm đến đúng đối tượng nhà đầu tư phù hợp. Giúp nguồn vốn trong nền kinh tế luân chuyển một cách hiệu quả và đúng với khẩu vị rủi ro của các bên tham gia.
“Do chúng ta đang quá chú trọng vào Nghị định 65 và Nghị định 153 nên bỏ qua các sản phẩm ở kênh khác”, ông Quỳnh nói và đưa ra gợi ý: “Trong trường hợp nhà đầu tư chưa đủ điều kiện để xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cũng có thể tham gia thị trường bằng sản phẩm trái phiếu phát hành công chúng và chứng chỉ quỹ”.
Do đó, theo ông Quỳnh, bên cạnh việc ban hành Nghị định 65 để đưa trái phiếu phát hành riêng lẻ về đúng bản chất thì nhà quản lý cũng không được quên việc phải tiếp tục xây dựng nền tảng pháp lý để thúc đẩy các kênh dẫn vốn khác.
Thực tế, thị trường phát hành trái phiếu ra công chúng đang bị vướng ở việc thời gian xử lý hồ sơ lâu, thành ra doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành. Kéo theo đó, kế hoạch kinh doanh rất bị động. Đây cũng là nguyên nhân doanh nghiệp đổ xô đi phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua mặc dù có thể có đủ điều kiện phát hành ra công chúng.
Ngoài ra, quỹ đầu tư cũng chưa được coi trọng để đưa ra các chính sách mở rộng. Trong khi quỹ đầu tư đem lại rất nhiều lợi ích. Nếu nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ quỹ trái phiếu của các quỹ đầu tư thì sẽ có 2 lớp chặn. Thứ nhất, quỹ đầu tư chắc chắn là nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ có cách để chọn sản phẩm tốt. Thứ hai, tài sản lớn nên danh mục của họ ít nhất từ 5-10 trái phiếu, rủi ro được phân nhỏ ra.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, quy định của Việt Nam đối với các quỹ đầu tư vẫn khá cứng, danh mục đầu tư thường bị quy định rõ trái phiếu niêm yết hay không niêm yết, bất động sản hay không bất động…
“Có thể những trái phiếu của doanh nghiệp có điểm xếp hạng thấp thì hạn chế các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ liên quan đến bảo hiểm. Còn các loại có ít tính đầu cơ, rủi ro thấp thì các quỹ được đầu tư với hạn mức cao hơn, thay vì áp đồng loạt 10-15%, hoặc một số quỹ không được đầu tư trái phiếu bất động sản. Thực ra bất động sản có nhiều doanh nghiệp rất tốt, trái phiếu rất tốt. Thông lệ quốc tế có rất nhiều, chúng ta nên tham khảo để giải quyết bài toán cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Thuân kiến nghị.