Thị trường chứng khoán có phiên đảo chiều phục hồi khá bất ngờ ngày đầu tuần, nhưng bất ngờ nhất là đợt kéo giá lên "nhanh như chớp" khoảng 15 phút cuối.
Nhóm đầu tàu được xác định là ngân hàng. Mã nào trong nhóm này cũng giảm thanh khoản thê thảm, nhưng giá thì đa số tăng tốt. 3 cổ lớn nhất tăng cực khỏe là VCB tăng 3,37%, BID tăng 1,04% và CTG tăng 4,83%.
Tuy cả nhóm ngân hàng tăng nhưng về hiệu ứng điểm số thì chỉ có 3 mã nói trên. VN-Index tăng tổng cộng 8,21 điểm so với tham chiếu thì VCB, CTG và BID đóng góp 5 điểm. Trong khi đó cả sàn HSX có tới 305 cổ phiếu tăng giá.
Về mặt thời điểm, VCB bùng nổ muộn nhất trong 3 mã, nhưng lại tăng sốc cực nhanh trong vài phút cuối. Chỉ trong khoảng 7 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, VCB tăng từ 84.400 đồng lên 85.500 đồng tương đương 1,3%, rồi đóng cửa nhảy tiếp lên 85.800 đồng, tăng tổng cộng 3,37% so với tham chiếu.
CTG tăng sớm nhất, bùng nổ ngay trước 2h chiều. Chỉ trong 15 phút, CTG tăng từ 29.650 đồng lên 30.350 đồng, tương đương 2,36%. Đây cũng gần như là mức đỉnh của CTG, những phút còn lại cổ phiếu này trồi sụt và đóng cửa cũng chỉ tăng thêm được 1 bước giá lên 30.400 đồng, chốt trên tham chiếu 4,83%. BID bùng nổ không rõ ràng vì đầu phiên thực ra đã có đỉnh cao nhất ngày ở 39.100 đồng. Đóng cửa BID chỉ phục hồi trở lại 38.900 đồng, trên tham chiếu 1,04%.
Các cổ phiếu ngân hàng còn lại tăng khá là MBB tăng 1,12%, STB tăng 1,13%, VPB tăng 0,85%, HDB tăng 0,83%. Trong nhóm hạng hai này, TCB mắc kẹt bởi lực xả quá lớn. Đã không có nhịp bùng nổ theo các mã ngân hàng khác, TCB còn bị đè giá cuối phiên và chỉ tăng 0,23%. Lý do là mã này bị xả cực lớn tới 22,94 triệu cổ tương đương 493,9 tỷ đồng cả ngày. Riêng đợt ATC xuất hiện lượng bán tới 6,18 triệu cổ.
Cổ phiếu ngân hàng lao dốc đáng kể trong hơn 1 tuần trở lại đây và hôm nay xuất hiện lực mua bắt đáy. VCB giảm 11 phiên gần nhất mất 6,32% giá trị, BID điều chỉnh 6 phiên mất 10,36%, CTG giảm 9 phiên mất 9,8%, TCB giảm 5 phiên mất 11,04%... Mức điều chỉnh ngắn hạn này là tương đối mạnh nên nhà đầu tư nhảy vào mua ở ngưỡng hỗ trợ đối với từng mã là điều dễ hiểu. Tuy nhiên sức mua không tạo được thanh khoản cao, tất cả đều sụt giảm cực mạnh về khối lượng, như VCB giảm 66%, BID giảm 35%, CTG giảm 43%, MBB giảm 36%...
Không có cổ phiếu trụ nào khác hỗ trợ nhóm ngân hàng và đó là hạn chế lớn nhất của đợt tăng chớp nhoáng ngắn ngủi cuối phiên. VIC lại có đóng góp lớn nhất khi cố gắng quay lại được tham chiếu. Nếu tính riêng từ thời điểm nhóm VCB, BID, CTG bật tăng mạnh thì VIC cũng đi lên được hơn 1%, vượt nhẹ qua tham chiếu để rồi đóng cửa chỉ dừng lại tại đây. VHM đóng cửa vẫn giảm 0,13%, VNM giảm 0,37%, GAS giảm 0,99%, SAB tham chiếu.
Tuy các trụ không kéo được chỉ số bao nhiêu, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu nhìn chung phục hồi khá mạnh. Rổ blue-chips VN30 có tới 20 mã tăng giá, chỉ 7 mã giảm. Các mã trung bình của rổ tăng tốt có thể kể tới VJC tăng 3,66%, POW tăng 1,06%, PNJ tăng 2,88%, MWG tăng 1,62%. VN30-Index đóng cửa tăng 0,75% so với tham chiếu.
Cả hai nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mới là các mã hưởng lợi nhất từ biến động kéo chỉ số hôm nay. Trong hơn chục mã kịch trần thì nhiều mã có giao dịch sôi động như FLC, HTN, TSC, EVG, OGC, HCD, DCM. Tuy vậy đa số cũng chỉ là diễn biến đảo chiều tăng một phiên, chỉ có DCM là đạt đỉnh cao lịch sử mới. Chỉ số VNMidcap đóng cửa tăng 1,3%, VNSmallcap tăng 1,05%.
Đợt tăng giá mạnh nhưng rất ngắn này hoàn toàn là kết quả từ phản ứng giao dịch của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà không có thông tin bất ngờ nào xuất hiện. Bản thân nhóm ngân hàng cũng không có tin gì mới. Cho đến trước thời điểm 2h15 chiều, diễn biến thị trường khá bình thường, VN-Index tăng nhẹ với mức cao nhất khoảng 930 điểm tức là tăng còn chưa tới 0,5% so với tham chiếu.
Diễn biến tăng hôm nay tuy giúp VN-Index phục hồi khá đẹp, khoảng 38% tính theo chiều giảm từ đỉnh 970 điểm đến mức thấp nhất phiên cuối tuần trước. Tuy vậy thanh khoản đã giảm sốc 23,4% tính theo giá trị khớp lệnh và giảm 18% tính theo tổng giá trị. Riêng mức khớp lệnh hai sàn hôm nay chỉ có gần 4.982 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ tuần cuối tháng 8/2020, giao dịch này dưới ngưỡng 5.000 tỷ đồng.
Giao dịch giảm nhiều nhất chính là tại rổ VN30, giá trị khớp giảm 36% so với phiên trước. Rổ này vẫn có nhiều mã thanh khoản rất tốt như TCB, MSN, HPG, nhưng chính các mã này cũng giảm giao dịch nhiều. Giao dịch giảm mạnh ở nhóm blue-chips thể hiện dòng tiền đã rút bớt khỏi thị trường đáng kể. Không có nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua bán ở nhóm blue-chips.
Nhà đầu tư nước ngoài có một phiên thuận lợi bất ngờ để bán ra. Lại có thêm khoảng 508 tỷ đồng nữa bị khối này rút khỏi sàn HSX. Riêng các mã thuộc VN30 bị bán ròng tới 505 tỷ đồng. MSN, HPG, VRE, MBB, HDB, POW, BID, GAS, VIC, VHM bị bán ròng rất nhiều.