Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 tổ chức chiều 28/7, người lao động nêu nhiều kiến nghị về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề tăng quyền lợi hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, cho biết hiện nay, nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, trong khi đó, chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các nội dung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động còn hạn chế.
Vì thế, nữ công nhân đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề.
Đồng thời, nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Giải đáp băn khoăn của người lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ xác định bảo hiểm thất nghiệp là “bà đỡ” cho thị trường lao động.
Trước đó Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 100.000 tỷ đồng và đã được sử dụng khoảng 41.000 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ người lao động. “Hiện tại kết dư chỉ ở mức an toàn, không còn nhiều”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Thông qua kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh thông tin rằng hiện kết dư Quỹ này không còn nhiều nữa. Theo bà Thúy Anh, những năm đầu, chi của quỹ ít so với thu, đặc biệt là quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho quỹ 1%. Sau đó quy định này không còn nữa nên phần thu giảm dần qua các năm.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 03 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết này được triển khai rất nhanh chóng, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ trong 3 tháng và người sử dụng lao động miễn đóng trong 1 năm.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 24 để giải quyết các trường hợp còn tồn đọng. “Hiện nay, qua hoạt động giám sát của Ủy ban Xã hội thì kết dư Quỹ không còn nhiều lắm và đảm bảo quy định theo Nghị định 28 của Chính phủ, đó là kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ít nhất bằng 2 lần chi của năm trước liền kề. Hiện quỹ không phải quá dư dật để tính đến khoản chi như Nghị quyết 03”, bà Nguyễn Thuý Anh cho hay.
Theo chương trình định hướng xây dựng luật, Luật Việc làm dự kiến sẽ được sửa đổi bổ sung trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, và Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Theo đó, dự án Luật này sẽ được trình Quốc cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào năm 2024. Ủy ban Xã hội sẽ nghiên cứu trong quá trình thẩm tra luật.
“Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp mà quan trọng cho người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ tiền thì cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan đến quy định đào tạo nghề, tạo điều kiện để người lao động sớm quay lại thị trường, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội cho người lao động”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Thông tin thêm về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thấy rằng điều kiện để chi bảo hiểm thất nghiệp còn khắt khe.
Tới đây, khi sửa đổi luật, cần “nới” điều kiện và quyền lợi khác để đảm bảo chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Riêng trong đợt dịch Covid-19, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi 41.000 tỷ đồng, trong đó có trên 32.000 tỷ đồng cho hơn 14 triệu người lao động trong điều kiện hết sức khó khăn.