May 01, 2021 | 13:48 GMT+7

Kẹt xe hàng cây số, trạm thu phí vẫn không xả trạm

Tuyết Nhi -

Lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến, trên nhiều tuyến đường TP. HCM – Long Thanh – Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, ùn tắc kéo dài...

Tắc trường kéo dài trên nhiều tuyến đường cao tốc
Tắc trường kéo dài trên nhiều tuyến đường cao tốc

Nhiều đoạn đường kẹt xe kéo dài nhiều kilomet trong hàng giờ, cả ngàn xe “bò” trên nhiều tuyến cao tốc, thậm chí bị lập biên bản, nhưng nhiều trạm thu phí vẫn không xả trạm khi có ùn tắc xảy ra.

Thông tin từ Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Đội 6, Cục Cảnh sát giao thông, từ 6h đến 8h ngày 30/4, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP. HCM – Long Thanh – Dầu Giây tăng đột biến, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài xảy ra tại khu vực trạm thu phí từ km3 đến km11+115 thuộc khu vực Trạm thu phí Long Phước.

Để tình trạng ùn tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc. Vì vậy, rất nhiều lần lực lượng Cảnh sát giao thông Đội 6 đã yêu cầu cán bộ quản lý Trạm thu phí Long Phước và lãnh đạo Công ty Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) cho xả trạm để giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, đều không nhận được phản hồi và sự hợp tác từ lãnh đạo công ty và trạm thu phí.

Trong trường hợp xuất hiện ùn tắc kéo dài từ 750m trở lên tại các trạm thu phí BOT thì nhà đầu tư và đơn vị quản lý trạm thu phí phải tiến hành mở trạm để phương tiện qua lại. Trong khi đó, số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí Long Phước lớn hơn 2.000m. Tuy nhiên, ngay cả khi lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản, cán bộ có trách nhiệm tại trạm thu phí này vẫn không hợp tác, không ký biên bản và kiên quyết không xả trạm.

 

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho hay, nếu chỉ là ùn ứ phương tiện vẫn di chuyển thì không phải xả trạm. Chỉ khi nào tắc không lưu thông được mới phải xả.

Cũng tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 30/4, lưu lượng phương tiện tăng gấp 3 lần trên song một số trạm BOT vẫn thu phí, không xả trạm vì “không ùn ứ nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho hay ngày 29 và 30/4 chỉ xảy ra ùn ứ kéo dài tại các trạm thu phí. Nguyên nhân là lưu lượng phương tiện năm nay vượt so với năm ngoái khoảng 15%. Đơn cử, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ vượt 2.000 xe mỗi ngày đêm trên mặt cắt lưu lượng.

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho hay, nếu chỉ là ùn ứ phương tiện vẫn di chuyển thì không phải xả trạm. Chỉ khi nào tắc không lưu thông được mới phải xả. Trong các ngày người dân trở lại thành phố tới đây, nếu xảy ra ùn tắc kéo dài quá quy định, Tổng cục sẽ chỉ đạo nhà đầu tư xả trạm.

Theo quy định của Điều 15 Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức quản lý vận hành trạm thu phí sẽ bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng.

Cụ thể, khoản 8, Điều này quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm. Đó là, không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí, tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ, lớn hơn 2.000 m.

Hoặc không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Trước đó, ngày 16/4, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 3368/BGTVT-ATGT về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026. Trong đó, nêu rõ Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ chủ động xả trạm (mở barie) để giải toả phương tiện khi ùn tắc khéo dài.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate