December 01, 2023 | 07:00 GMT+7

Kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội, các địa phương đưa nhiều ưu đãi

Ban Mai -

Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã lên phương án xây hàng nghìn căn nhà ở xã hội đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân có thu nhập thấp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, theo Quyết định số  338 (ngày 03/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đang cấp tập lên chương trình, xây dựng chỉ tiêu để hoàn thành mục tiêu đề ra…

SẼ XÂY HÀNG TRĂM NGHÌN CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI 

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Ninh Thuận vừa được điều chỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương sẽ có 1.998 căn nhà ở xã hội, diện tích sàn xây dựng cần đầu tư xây dựng khoảng 89.926 m2 sàn. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cho thuê phấn đấu đạt từ 17.985 m2 sàn trở lên, tương ứng với 400 - 500 căn.

Ngoài dự án nhà ở xã hội Khu tái định cư Thành Hải (1,91 ha) đang tổ chức lựa chọn chủ đầu tư (TP. Phan Rang – Tháp Chàm), tỉnh Ninh Thuận dự kiến kêu gọi đầu tư 03 dự án gồm: dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chữ (3,07 ha); dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị mới Phủ (0,58 ha) và dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tháp Chàm 1 (1,38 ha).

Đến năm 2030, tỉnh Bình Định dự kiến đầu tư xây dựng 20.346 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư xây dựng khoảng 9.706 căn nhà ở xã hội; giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu khoảng 10.640 căn nhà ở xã hội.

Quảng Nam cũng là địa phương đặt mục tiêu xây tới 19.600 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát, lựa chọn danh mục các quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, tại vị trí thuận lợi, có thể triển khai ngay hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án…

Theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 triển  xây dựng 12.798 căn nhà ở xã hội. Trong đó, 12 dự án bố trí 9.451 căn cho đối tượng thu nhập thấp; 03 dự án bố trí 3.034 căn cho công nhân khu công nghiệp; 02 dự án bố trí 313 căn trong quỹ đất 20%.

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra lộ trình đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội. Riêng trong năm 2023, tỉnh đã triển khai 10 dự án với quy mô 7.034 căn, bằng 85% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Riêng tại TP.HCM, địa phương dự kiến phát triển rất lớn số lượng nhà ở xã hội khi chỉ tiêu được giao và mục tiêu của thành phố đề ra để đảm bảo người dân có chỗ ở. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố sẽ xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, có 7.000 căn nhà cho thuê và 45.000 căn nhà lưu trú công nhân. Về quỹ đất, giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM dự kiến bố trí 68 dự án, khu đất để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có 32 dự án, khu đất được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 sang và bổ sung thêm 36 khu đất mới. Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn TP.HCM có 88 dự án, khu đất thuộc kế hoạch phát triển nhà ở xã hội dựa trên sự phù hợp của chương trình phát triển nhà ở theo từng giai đoạn được phê duyệt. 

Đến hết năm 2030, Hậu Giang cũng đặt mục tiêu có 1.572 căn nhà ở xã hội. Tỉnh phấn đấu năm 2025, dự kiến hoàn thành khoảng 110 căn; năm 2026 hoàn thành khoảng 220 căn; năm 2027 hoàn thành khoảng 240 căn; năm 2028 hoàn thành khoảng 285 căn; năm 2029 hoàn thành khoảng 310 căn và năm 2030 hoàn thành khoảng 407 căn. Tổng số căn nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành đến hết năm 2030 là 1.572 căn.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ triển khai xây dựng hơn 3.600 căn nhà ở xã hội. Năm 2023, tỉnh đã triển khai xây dựng 1.000 căn nhà ở xã hội, với diện tích đất xây dựng lấy từ 20% quỹ đất nhà ở đã hoàn thiện hạ tầng nằm trong dự án đầu tư thương mại.

ĐƯA GIẢI PHÁP CỤ THỂ, TRIỂN KHAI THỰC CHẤT

Để thực hiện mục tiêu xây dựng 20.346 căn nhà ở xã hội, UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ cho các sở, ngành rút ngắn thời gian thẩm định quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, kết quả lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, cấp giấy phép xây dựng… để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư…

Đặc biệt, bổ sung quy định trường hợp nhà đầu tư thực hiện không đảm bảo tiến độ, kế hoạch đã cam kết mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi.

Ngoài ra, việc quản lý giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ngay từ khi lập dự án đầu tư, đảm bảo giá thành hợp lý, phù hợp với thu nhập của người thu nhập thấp ở Bình Định.

Đối với địa bàn TP.HCM, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố đang tháo gỡ 05 nhóm vấn đề gồm: Gỡ vướng cho các dự án căn nhà ở xã hội; hoàn thiện quy trình đầu tư xây dựng căn nhà ở xã hội; quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ căn nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại quy mô dưới 10 ha; thúc đẩy đầu tư công vào các dự án căn nhà ở xã hội; phân công trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục đầu tư dự án căn nhà ở xã hội. 

Tại Hậu Giang, để tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng lập hồ sơ đề xuất dự án và trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, sơ bộ năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư của 2 dự án: Nhà ở xã hội trong 20% quỹ đất ở của dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh và Nhà ở xã hội tại thị trấn Mái Dầm (sau khi Quy hoạch chi tiết được phê duyệt, điều chỉnh). Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh trong việc giao đất, cho thuê đất (nếu có) theo quy định của pháp luật về đất đai…

Về giải pháp thực hiện, tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các quỹ đất đã được bố trí để phát triển, đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chặt chẽ năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển, đầu tư nhà ở xã hội, đảm bảo đủ điều kiện chủ đầu tư theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án. Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhà đầu tư kinh doanh bất động sản…

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh cũng đang vận dụng nhiều hình thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt để khích lệ nguồn lực xã hội, tỉnh sẽ áp dụng nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết thêm, chủ trương chung xây dựng nhà ở xã hội đang vận dụng 03 hình thức đầu tư. Thứ nhất, nhà ở xã hội do ngân sách nhà nước đầu tư. Thứ hai, do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, nhất là các đơn vị có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động của mình. Thứ ba, các hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội trên diện tích đất hợp pháp.

Sở Xây dựng Đắk Lắk cũng đang triển khai các bước hoàn thiện chính sách, vận động đầu tư và theo dõi các công trình nhà ở xã hội. Sở phối hợp các chủ dự án đô thị áp dụng 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng để đầu tư nhà ở xã hội theo quy định. Theo đó, các dự án được khuyến khích triển khai đúng tiến độ; tính toán nâng cao chất lượng nhà ở xã hội tương đương với nhà ở thương mại; cơ cấu giá thành hợp lý để người lao động thu nhập thấp, công nhân các doanh nghiệp đều có thể mua được nhà ở…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate