Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nằm trong nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đồ uống có cồn, Cơ quan Thuế quốc gia Nhật Bản (NTA) đã phát động một chiến dịch nhằm tăng doanh thu cho ngành này bằng cách khuyến khích người trẻ tiêu thụ nhiều hơn.
Một cuộc thi có tên “Sake Viva!” của NTA nhắm tới đối tượng từ 20-39 tuổi, kêu gọi các ý tưởng về sản phẩm mới và những dịp để tiêu thụ bia rượu nhiều hơn, như uống ở nhà.
Chiến dịch được tung ra trong bối cảnh mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân tại Nhật Bản đã giảm 25% trong vòng 25 năm qua, kéo theo tiền thu thuế từ mặt hàng này sụt giảm. Người thắng cuộc sẽ được công bố vào đầu tháng 9. NTA kỳ vọng các ý tưởng tham gia cuộc thi sẽ giúp tăng doanh thu đồ uống có cồn và theo đó tăng thu thuế cho Chính phủ.
Chiến dịch này được tung ra hồi tháng 7 nhưng tuần này mới nhận được sự quan tâm lớn của dư luận khi báo chí Nhật Bản và quốc tế đồng loạt đưa tin. Tuy nhiên, chiến dịch vấp phải sự phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng Nhật bản chỉ trích cơ quan thuế quốc gia “ép buộc” việc lựa chọn phong cách sống của người dân.
Trên mạng xã hội Twitter, hastag “Sake Viva!” nhận được lượng phản hồi khổng lồ. Cho rằng chiến dịch này “thật lố bịch”, một người dùng Twitter khẳng định việc người trẻ tránh đồ uống có cồn nên được xem là một điều tốt. Ý kiến này nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng. Một số khác chỉ ra rằng chiến dịch này đi ngược với hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản về việc uống rượu bia ở mức vừa phải.
Dù khẳng định không liên quan tới chiến dịch của NTA, Bộ Y tế Nhật Bản nói rằng tinh thần của chiến dịch phù hợp với quan điểm của họ rằng người dân nên “uống bia rượu có trách nhiệm”.
Còn NTA nói rằng mục đích của chiến dịch chỉ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bia rượu trong bối cảnh các vấn đề từ sự gián đoạn do Covid cho đến dân số già hóa đang khiến người trẻ uống ít rượu hơn. Cơ quan này khẳng định chương trình nhằm khuyến khích tăng trưởng và tuyệt đối “không khuyến khích người dân uống rượu quá mức”.
Theo NTA, năm 2020, Nhật thu khoảng 1.100 tỷ Yên (khoảng 8 tỷ USD) thuế từ doanh thu bia rượu, chiếm khoảng 2% tổng tiền thu thuế năm đó của Chính phủ, giảm từ tỷ lệ 13% vào năm 2016.
Trong đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ bia rượu tại các quán bar và nhà hàng ở Nhật giảm đáng kể, khi các điểm ăn uống buộc phải đóng cửa sau giờ hành chính và nhiều người cũng không muốn ra ngoài ăn uống. Nhiều người cũng lo ngại rằng người dân Nhật Bản giờ đây không còn thói quen ăn uống bên ngoài khi họ quen với việc làm việc ở nhà và uống ít bia rượu hơn.
Dù không được người tiêu dùng ủng hộ, chiến dịch của NTA được ngành công nghiệp đồ uống Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh.
“Mức tiêu thụ đồ uống có cồn ở Nhật đạt đỉnh vào khoảng 40 năm trước và từ đó đã giảm đáng kể”, bà Hiromi Iuchi, người phát ngôn của Hiệp hội Các nhà sản xuất rượu Sake và rượu Shochu Nhật Bản, cho biết. “Hồi đó, mỗi ngày, người dân uống rất nhiều rượu sake, nhưng sau đó bia bắt đầu trở nên phổ biến, rồi Nhật Bản trải qua thời kỳ bùng nổ rượu vang. Sau đó là sự bùng nổ của rượu whisky và bây giờ có rất nhiều đồ uống nhập khẩu. Nhưng nhìn chung, lượng tiêu thụ đã giảm mạnh”.
Sự sụt giảm này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là nền kinh tế Nhật Bản đã trì trệ trong suốt 3 thập kỷ, theo đó thu nhập khả dụng của người dân giảm đi so với những năm bùng nổ của “nền kinh tế bong bóng”.
Bên cạnh đó, người dân Nhật Bản ngày càng ý thức hơn về những ảnh hưởng tới sức khỏe khi uống quá nhiều bia rượu. Xã hội nước này cũng này càng có cái nhìn thiếu thiện cảm hơn với những hành vi sai trái có liên quan tới bia rượu. Cùng với đó, người trẻ Nhật Bản giờ đây có nhiều hình thức giải trí hơn so với thế hệ trước.
“Không may, hình ảnh về đồ uống truyền thống của Nhật Bản giờ đây là thức uống chỉ dành cho người già. Rượu Sake và Shochu không còn thời thượng nữa”, bà Iuchi nói và cho biết đó là lý do tại sao bà đặt kỳ vọng vào sự thành công của chiến dịch trên.