July 17, 2025 | 17:57 GMT+7

Khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài

Thái Bình -

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và doanh nghiệp chứng khoán nhận định: "Việc mở rộng không gian đầu tư cho dòng vốn ngoại và nâng cao nhận thức nhà đầu tư là 2 trong số những giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và phát triển ổn định"...

Toàn cảnh hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán".
Toàn cảnh hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán".

Chia sẻ tại phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" diễn ra ngày 17/7/2025, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết nhờ vào nỗ lực của Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian qua, thị trường chứng khoán trong nước đã hội tụ gần như đầy đủ các tiêu chí của FTSE Russell để được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá và trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài.

"Việc các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7/2025 là một dấu hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong những lần trao đổi với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao những cải cách nền tảng và nỗ lực của Chính phủ để cải thiện hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hải thông tin. 

DUY TRÌ UY TÍN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

Một trong những thay đổi được đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá cao nhất, chính là việc Nhà nước cho phép áp dụng mô hình không cấp vốn trước (NPF) đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 11/2024.

Theo đó, các giao dịch NPF hiện đã chiếm hơn 50% trong số hàng trăm nghìn lệnh mua từ nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, trong số hàng trăm nghìn giao dịch NPF được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, chỉ có một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý hiệu quả.

"Với những thay đổi trên, kỳ vọng được nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam là khá lớn", ông Hải nhận định. Tuy nhiên, ông cũng bổ sung rằng sau khi được FTSE Russell nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thể chế và quy định, hướng đến được MSCI nâng hạng và giữ được đánh giá tích cực về thị trường trong nước. 

Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) để đưa ra lộ trình, chuẩn bị công bố lộ trình triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường, dự kiến thời gian chuẩn bị 1 năm đến 1,5 năm để triển khai. 

Ông Hải cho biết sau khi được nâng hạng, Việt Nam cần có danh mục đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần phải tăng cường minh bạch hóa công bố thông tin, phát triển sản phẩm xanh sạch, ESG, phù hợp với các quỹ hiện nay, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn. Trong thời gian vừa qua, nhờ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, việc mở tài khoản thanh toán, tài khoản đầu tư gián tiếp của khối ngoại đã diễn ra thuận lợi hơn.

Trong thời gian tới, nếu Ngân hàng Nhà nước sửa Thông tư 07/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán thì sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho giao dịch của nhà đầu tư ngoại. Để nâng hạng trên bảng xếp hạng MSCI thì cần thị trường ngoại hối sôi động, phát triển để có công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Vấn đề thứ 2 là tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay tỷ lệ này cực kỳ phức tạp, hơn 400 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu bằng 0. 

Ngoài ra, ông Hải cảnh báo sau khi thị trường nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng cũng không có nhiều không gian để đầu tư. Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ ra 2 nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. 

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư.

Thứ nhất, quy định không gian đầu tư của dòng vốn nước ngoài rất phức tạp. Nhiều ngành không thực sự cần thiết áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhưng vẫn có quy định. Đây không chỉ rào cản của đầu tư gián tiếp mà còn trực tiếp. 

Thứ hai, các doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề, trong đó có cả những ngành hạn chế dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp đăng ký dự phòng và không thực sự có triển khai hoạt động. Do vậy, khi mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài không thì không chỉ cơ quan quản lý nhà nước rà soát, mà chính doanh nghiệp phải xem xét lại ngành nghề đăng ký khi cần nguồn vốn rẻ. Doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề mà không thực sự dùng đến sẽ bị hạn chế khả năng thu hút vốn từ nước ngoài, gây lãng phí tiềm năng đầu tư.

CẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VSDC, cho biết sau khi nâng hạng thị trường chứng khoán, bên cạnh việc tận dụng dòng vốn nước ngoài chảy vào, cũng cần có những biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức nhà đầu tư cá nhân, vốn chiếm phần lớn các tài khoản đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Lấy ví dụ về thị trường Đài Loan (Trung Quốc) - nơi dù đã được công nhân là thị trường mới nổi nhưng vẫn có những chương trình về đào tạo, nâng cao chất lượng nhà đầu tư, ông Sơn kêu gọi sự tham gia của không chỉ các cơ quan quản lý - UBCKNN, mà cả thị trường, trong đó có các hiệp hội, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ vào hoạt động nâng cao nhận thức nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường trường chứng khoán Việt Nam hiện có trên 10 triệu tài khoản của 7 triệu nhà đầu tư, trong đó 99,78% là nhà đầu tư cá nhân. Theo lãnh đạo VSDC, đặc thù này liên quan tới tính cách người Á Đông, thích tự đầu tư, chấp nhận cuộc chơi và quan ngại khi đầu tư thông qua các định chế khác. 

Với nhà đầu tư cá nhân với năng lực tài chính, nhận thức có hạn chế và bị chi phối bởi lý thuyết hành vi, có xu hướng phong trào, đầu tư ngắn hạn thu lời nên khi có biến động khả năng chống đỡ rủi ro không cao bằng các định chế làm mức độ phức tạp của thị trường càng lớn hơn. Thị trường lên, xuống nhanh chủ yếu do lượng nhà đầu tư cá nhân lớn. Việt Nam cần hướng tới nâng cao nhận thức nhà đầu tư qua tuyên truyền, đào tạo từ cả cơ quan quản lý, nền tảng công nghệ, trực tiếp, online.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng kêu gọi Chính phủ chủ động có chính sách phát triển các quỹ đầu tư, định chế bảo hiểm. Trong quá khứ, Việt Nam đã phát triển thị trường quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện nhưng gần đây chững lại. Trụ cột an sinh là kênh tích tụ vốn để ổn định, hướng tới phát triển.

“Hơn lúc nào hết, lúc này, cần có chính sách ưu đãi thuế khi đầu tư qua các định chế quỹ, như vậy tự khắc nhà đầu tư sẽ đi theo hướng đó. Còn như hiện nay đầu tư cá nhân lại chịu thuế phí thấp hơn qua các quỹ thì rất khó phát triển. Chỉ khi nào ưu đãi thuế, phí với các tổ chức quỹ thì mới giảm dần tự đầu tư cá nhân”, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VSDC nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate