Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), ông Trần Bá Dương vừa cho biết sẽ hợp tác sản xuất máy nông nghiệp, để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Dương cho biết, sau gần 14 năm xây dựng, đến nay khu phức hợp Chu Lai Trường Hải đã có 12 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, 5 nhà máy lắp ráp ôtô và được xem là trung tâm sản xuất cơ khí có quy mô lớn nhất Việt Nam, với sản phẩm chủ yếu là ôtô và phụ tùng ôtô các loại .
Người đứng đầu Trường Hải phân tích, nền nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng công nghiệp hoá và cơ giới hoá trong sản xuất, canh tác.
Do vậy, Trường Hải đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp, dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp ôtô.
Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực máy nông nghiệp tại Việt Nam, Trường Hải chọn một hướng đi mới. Đó là liên doanh với các đối tác nước ngoài, tiến hành chuyển giao công nghệ, dần dần nội địa hoá các dòng máy này khi lượng tiêu thụ đủ lớn.
Hiện đã có LS Mtron - tập đoàn sản xuất máy nông nghiệp lớn tại Hàn Quốc - xác nhận sẽ bắt tay với Trường Hải trong lĩnh vực này
Theo đó, LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Trường Hải xây dựng nhà máy, sản xuất máy móc, thiết bị các loại sử dụng trong nông nghiệp mang thương hiệu Thaco, với tỷ lệ nội địa hoá đến 50% và bắt đầu phân phối độc quyền tại Việt Nam từ tháng 10/2017. Tiếp đến, giai đoạn hai sẽ là liên doanh mở rộng sản xuất tại Viet Nam để xuất khẩu.
Hiện máy móc nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Dương hy vọng, sản phẩm do Trường Hải sẽ dần dần thay thế hàng ngoại nhập.
Ngoài ra, để sản xuất các máy móc nông nghiệp có công năng phù hợp, sử dụng hiệu quả mang lại năng suất cao, Trường Hải cũng cho biết đã nghiên cứu quy hoạch mô hình canh tác theo hướng công nghiệp hoá.
Trong đó, sẽ nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị chuyên dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp các loại, khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác đến thu hoach, vận chuyển, chế biến và phân phối.
“Đây sẽ là ngành nghề kinh doanh mới của Trường Hải, theo chiến lược phát triển tập đoàn đa ngành, trong đó lấy cơ khí và ôtô làm chủ đạo. Đây cũng là trách nhiệm của công ty trong việc tham gia phát triển ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh nông nghiệp là ngành chủ đạo của nền kinh tế nhưng đang lạc hậu. Phải ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hoá mạnh trong thời gian tới”, ông Dương nói.
Trong một cuộc trao đổi với VnEconomy gần đây, ông Dương cho hay, năm 2016 Trường Hải có thể lãi 7.500 tỷ đồng, nhưng “không thấm vào đâu” so với nhu cầu đầu tư.
“Chúng tôi cần cùng lúc làm vài ba ngành nghề, để có thể chống đỡ cho nhau khi một ngành nào đó bất ổn. Tôi luôn quan niệm nếu làm được gì sẽ làm hết mình để đóng góp cho kinh tế đất nước. Tôi dự định làm 2-3 ngành nghề như đầu tư hạ tầng, công nghiệp ôtô, sắp tới phát triển nông nghiệp nữa. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm một vài mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng công nghiệp hoá từ khâu gieo trồng, thu hoạch, quảng bá sản phẩm, xuất khẩu gạo ra nước ngoài”, ông nói.
Vài năm trở lại đây, đầu tư vào nông nghiệp đã trở thành một hướng đi mới của nhiều tập đoàn tư nhân lớn, trước đây vốn “ngoại đạo” với nông nghiệp tại Việt Nam, như Vingroup, Hòa Phát, Him Lam, Bắc Á… Tuy nhiên, dù cùng chung xu hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trong khi Hoà Phát chọn sản xuất thức ăn chăn nuôi, Vingroup trồng rau, thì Trường Hải là cái tên đầu tiên trong số này sẽ sản xuất máy nông nghiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate