Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, có giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng quy định về quản trị doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp chưa được thực thi.
Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua báo chí phản ánh, theo khảo sát, có tới 80 nghìn công ty cổ phần là công ty gia đình (bố, mẹ, con sở hữu cổ phần) và nhiều công ty cổ phần không biết hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông là gì.
Đáng chú ý, có trên 90% doanh nghiệp chép điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp. Và hầu hết, nếu công ty gia đình chưa thành lập hội đồng quản trị thì gần như không bị phạt.
Quản trị kinh doanh ở Việt Nam xếp vị trí thứ 81/100 nền kinh tế được đánh giá. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2000, 2005, 2014, phần quản trị doanh nghiệp gần như không được thực thi nhiều.
Chất lượng của Luật Doanh nghiệp Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines, nhưng khi đo quản trị 100 công ty tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thì chỉ đạt 35 điểm/120 điểm, thấp hơn rất nhiều hai nước này.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng đã có quy định rất rõ, chặt chẽ về quản trị, song thực thi chưa được như mong đợi. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các nước phát triển đều có hệ sinh thái rất tốt thúc đẩy quản trị doanh nghiệp. Chẳng hạn như trước khi mua cổ phần của một công ty, cổ đông luôn xem xét đánh giá kỹ quyền của mình trong đó. Khi doanh nghiệp nhận thức được thì họ luôn có điều lệ tốt nhất cho các cổ đông.
Đối với việc kiểm soát xung đột trong doanh nghiệp, đại diện cơ quan chủ trì sửa Luật doanh nghiệp 2014 cho biết, pháp luật quy định quyền cho cổ đông khởi kiện người quản lý nhưng đa số cổ đông ở Việt Nam không hiểu và không áp dụng…
Về nội dung nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, có giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.