Theo Báo cáo của Cục Thống kê Ninh Bình, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4 của tỉnh này tiếp tục gặp khó khăn, như thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị gián đoạn; giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất một số mặt hàng tăng cao; một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất để phù hợp tình hình thực tế của đơn vị. Nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh này vẫn duy trì đà tăng trưởng và đạt được kết quả khá so với cùng kỳ năm trước.
GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP ƯỚC ĐẠT HƠN 30.800 TỶ ĐỒNG
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 4 ước tính tăng 8,02% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 70,66%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,37%.
Tính chung lại 4 tháng đầu năm 2024 chỉ số IIP toàn tỉnh Ninh Bình tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 20,49%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,16%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 93,44%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,50%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Ninh Bình ước đạt 30.863,9 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 309,1 tỷ đồng, tăng 21,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 30.141,3 tỷ đồng, tăng 4,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện 344,3 tỷ đồng, tăng 93,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 69,2 tỷ đồng, tăng 7,2%.
Một một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh này có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Đá các loại 1,3 triệu m3, tăng 19,5%; ngô ngọt đóng hộp 1,1 nghìn tấn, tăng 8,5%; nước dứa tươi 1,6 nghìn. Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức giảm sút như: Dứa đóng hộp 2,3 nghìn tấn, giảm 8,2%; hàng thêu 0,4 triệu m2, giảm 4,5%; xi măng (kể cả clanke) 1,8 triệu tấn, giảm 16,0%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 24,0 tấn, giảm 77,5%.
DOANH THU BÁN LẺ HÀNG HÓA TĂNG MẠNH
Tổng số vốn đầu tư phát triển tháng 4/2024 toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 2.846,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 518,3 tỷ đồng, tăng 10,8%; vốn ngoài nhà nước đạt 2.112,5 tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 215,7 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.
Tính chung lại, tổng vốn đầu tư phát triển 4 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh này ước đạt 10.258,8 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn nhà nước đạt 1.783,3 tỷ đồng, tăng 0,6%; vốn ngoài Nhà nước đạt 7.635,1 tỷ đồng, tăng 4,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 840,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần.
4 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh Ninh Bình đạt trên 26.665,1 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/12 nhóm hàng hóa có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm đạt mức tăng cao như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 10.215,0 tỷ đồng, tăng 36,8%; hàng may mặc 1.377,8 tỷ đồng, tăng 39,8%.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh này ước đạt gần 3.064,0 tỷ đồng, tăng 32,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt trên 35,4 tỷ đồng, gấp trên 11,6 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt trên 2.018,7 tỷ đồng, tăng 11,3%.
DOANH THU DU LỊCH TĂNG GẦN 57% SO VỚI CÙNG KỲ NĂM TRƯỚC
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Ninh Bình ước đạt 1.115,8 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện ước đạt 274,6 triệu USD; giày dép các loại 287,0 triệu USD; xi măng và clanke 201,9 triệu USD; quần áo các loại 110,9 triệu USD; linh kiện điện tử 46,9 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 40,6 triệu USD...
Một số mặt hàng xuất khẩu của tỉnh này có mức tăng khá so với cùng kỳ như: Hàng thêu ren 56,3 nghìn chiếc, tăng 14,0%; kính quang học 880,5 nghìn chiếc, tăng 83,4%; linh kiện điện tử 46,9 triệu USD, tăng 69,9%. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút so với cùng kỳ như: Dứa, dưa chuột đóng hộp 2,5 nghìn tấn, giảm 1,9%; nước dứa cô đặc 306 tấn, giảm 15,0%; quần áo các loại 19,0 triệu chiếc, giảm 6,3%; xi măng và clanke 5,0 triệu tấn, giảm 10,2%. Một số mặt hàng giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị xuất khẩu như: Quần áo các loại, camera và linh kiện.
4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Ninh Bình ước đạt gần 987,2 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử gần 352,1 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 189,0 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 258,6 triệu USD; vải may mặc các loại 38,0 triệu USD; máy móc thiết bị 9,0 triệu USD.
Về du lịch, số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong 4 tháng qua, ước đạt hơn 4,9 triệu lượt khách, tăng 33,8% so với 4 tháng năm 2023. Trong đó, khách trong nước hơn 4,4 triệu lượt khách, tăng 25,6%; khách quốc tế hơn 514.000 lượt, gấp 3 lần.
Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh này ước đạt 852,6 nghìn lượt khách, tăng 82,4%; số ngày khách lưu trú ước đạt 936,4 nghìn ngày khách, tăng 61,6%.
Doanh thu du lịch 4 tháng qua của tỉnh Ninh Bình ước đạt hơn 4.621 tỷ đồng, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu khách sạn 309,2 tỷ đồng, tăng 45,5%; doanh thu nhà hàng 2.254,9 tỷ đồng, tăng 44,9%.