July 29, 2024 | 15:04 GMT+7

Khai thác gần 7 tháng, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đề nghị bổ sung gần 1.000 tỷ đồng

Anh Tú -

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị bổ sung 3 hạng mục cùng điều chỉnh nhiều khoản mục gây tăng, giảm sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tựu trung lại, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng lên 5.826,23 tỷ đồng, cao hơn 998,91 tỷ đồng so với ban đầu...

Đối với các hạng mục bổ sung, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2024, hoàn thành năm 2025.
Đối với các hạng mục bổ sung, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2024, hoàn thành năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

BỔ SUNG NÚT GIAO VỚI ĐƯỜNG VÕ VĂN KIỆT KÉO DÀI, TẠO TRỤC ĐỘNG LỰC

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 (Quyết định số 839).

Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến chính từ ngày 25/12/2023 và hoàn thành các hạng mục phụ trợ ngày 30/6/2024. Dự án có tổng mức đầu tư 4.827,32 tỷ đồng, sử dụng ngân sách trung ương, với tổng chiều dài khoảng 22,97 km đi qua địa phận hai tỉnh, đó là tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km.

Điểm đầu tại Km107+363,08 kết nối cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, quá trình triển khai đến nay, dự án chịu tác động của một số nguyên nhân như: kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp gia tăng; giá nguyên, nhiên, vật liệu trong khu vực tăng; bổ sung một số hạng mục để phối hợp, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết nối dân sinh dọc tuyến với tổng kinh phí cần bổ sung khoảng 998,91 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019, dự án có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

Khai thác gần 7 tháng, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đề nghị bổ sung gần 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Tại tờ trình này, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị bổ sung 3 hạng mục gồm: (i) nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long được thiết kế dạng ngã tư tách nhập, đoạn tuyến khu vực nút giao có bố trí hai đảo tròn để quay đầu và xây dựng cầu trên đường ngang vượt cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; (ii) hệ thống đường gom dân sinh dọc tuyến với tổng chiều dài khoảng 9,7 km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 7,3 km và qua địa phận tỉnh Vĩnh Long dài khoảng 2,4 km; (iii) hoàn thiện các hạng mục còn lại của hệ thống giao thông thông minh (ITS) và Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến.

Làm rõ lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng sẽ hình thành trục động lực phát triển thành phố Vĩnh Long trên cơ sở kéo dài đường Võ Văn Kiệt thêm 3km kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và để phát huy hiệu quả đầu tư, tuyến động lực này sẽ được đầu tư kéo dài kết nối với tỉnh Đồng Tháp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư bổ sung hạng mục nút giao với tuyến đường Võ Văn Kiệt kéo dài vào dự án.

Quy mô đoạn kéo dài quy hoạch tối thiểu 6 - 8 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị.

Theo đó, giai đoạn 1 (phân kỳ đầu tư) sẽ giải phóng mặt bằng với lộ giới 46 m. Giai đoạn 1 đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang đường là 40m (lề đất mỗi bên 0,5m và đắp đất dự trữ phía ngoài lề đất mỗi bên 4,5m); mặt đường là 30m (gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách giữa rộng 6m). 

Giai đoạn hoàn thiện, bề rộng mặt cắt ngang hoàn thiện là 46 m, trong đó vỉa hè mỗi bên rộng 8m; mặt đường là 30m (gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách giữa rộng 6m).

XÂY 7,3KM ĐƯỜNG DÂN SINH, BỔ SUNG TRƯỢT GIÁ

Cùng với đó, sau quá trình triển khai thi công vẫn còn một số vị trí chưa có
đường tiếp cận đất canh tác, chưa kết nối hoàn chỉnh với hệ thống đường hiện hữu nên cần xem xét bổ sung đường gom dân sinh để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp rà soát, xác định phạm vi, đề xuất phương án bổ sung hoàn chỉnh hệ thống đường gom dọc tuyến với tổng chiều dài khoảng 7,3 km.

Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai từ đầu năm 2021 đến nay, tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến đơn giá nguyên, nhiên vật liệu ở mức thấp; hiện nay nền kinh tế đã phục hồi sau đại dịch và khan hiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường trong khu vực nên giá vật tư, vật liệu chính tăng đột biến điển hình như đất đắp, cát, đá, thép, xăng, dầu diezel…

 

Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được duyệt, chi phí dự phòng trượt giá được dự kiến tương ứng mức độ trượt giá trung bình khoảng 2,63%/năm; quá trình thực hiện dự án mức độ trượt giá trung bình khoảng 6,8%/năm.

Trong đó, vật liệu đất đắp, cát, đá tăng đến khoảng 30% so với thời điểm lựa chọn nhà thầu.

"Mặc dù đã cân đối từ kinh phí dự phòng còn lại của dự án vẫn cần bổ sung thêm để thanh toán cho các hạng mục đã được phê duyệt chủ trương đầu tư", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Tổng chi phí bổ sung cho các hạng mục này là 998,3 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 lên 5.826,23 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt là 4.827,32 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn ngân sách trung ương được phân giao cho Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các hạng mục được duyệt ban đầu, theo thực tế triển khai đến nay, dự án đã đưa toàn bộ phần tuyến chính vào khai thác từ ngày 25/12/2023 và hoàn thiện toàn bộ dự án ngày 30/6/2024. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị điều chỉnh thành hoàn thành toàn bộ tuyến chính trong năm 2023, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong quý 2/2024.

"Đối với các hạng mục bổ sung Nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài, đường gom dân sinh và hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2024, hoàn thành năm 2025", Bộ Giao thông vận tải đề xuất.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư các hạng mục nêu trên sẽ góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate