Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình có nhiều diễn biến vượt ra ngoài mọi dự báo nhưng ngành giao thông vận tải hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Trong đó, việc thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) đạt nhiều kết quả nổi bật.
KHÍ THẾ HĂNG SAY ĐƯA VÀO KHAI THÁC 730KM CAO TỐC, KHỞI CÔNG NHIỀU DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc-Nam và Đông-Tây, tạo tiền đề quan trọng để cả nước có thể đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Đây cũng là năm chuẩn bị thần tốc để khởi công một loạt các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngành giao thông vận tải có nhiệm vụ quản lý rộng, nguồn vốn lớn, nhiều công trình, lĩnh vực, trải dài từ Bắc tới Nam, đòi hỏi phải quản lý, điều hành bao trùm, toàn diện, có hiệu quả và chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhắc lại một số kết quả nổi bật của ngành trong năm, Thủ tướng cho biết cả nước tăng cường tăng thu, giảm chi để sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh và tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Bởi đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó; đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo. Vì vậy, ngay đầu năm 2023, lần đầu tiên, Bộ Giao thông vận tải triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam; đến cuối năm tiếp tục khánh thành 4 dự án ngành giao thông vận tải từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở hai đầu đất nước.
Trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp lớn của ngành giao thông vận tải.
Chỉ trong thời gian ngắn, từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách linh hoạt, sáng tạo hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn trong công tác chuẩn bị đầu tư để tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường.
Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; tích cực, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, phân cấp, ủy quyền được kịp thời tháo gỡ.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải, các công nhân trên công trường… rất quyết tâm, nỗ lực, làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, không kể ngày nghỉ, ngày lễ với tinh thần "3 ca 4 kíp" "vượt nắng, thắng mưa", "không thua đại dịch", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ tiến không lùi"…
Thủ tướng lấy dẫn chứng về vướng mắc khi mỏ nguyên vật liệu thông thường lại được cấp phép theo quy trình như mỏ vàng, mỏ bạc hay các mỏ khoáng sản quý. Có những thời điểm nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do cá nhân liên kết với nhau, nâng giá, đội giá, găm hàng.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan tham mưu ban hành hai nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù bảo đảm nguồn vật liệu thi công; tham mưu Chính phủ chỉ đạo việc công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng...
Một ví dụ khác cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải là dự án cầu Mỹ Thuận 2 đầu năm 2023 còn chưa giải phóng mặt bằng xong, nguồn vốn còn thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ các dự án sân bay, nhất là dự án sân bay Long Thành.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, công tác điều hành hoạt động vận tải trong năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; sản lượng vận tải các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ. Việc triển khai công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt được những kết quả khả quan.
ĐỂ TÂM TRIỂN KHAI DỰ ÁN PPP, BÁM SÁT TIẾN ĐỘ SÂN BAY LONG THÀNH
Tuy nhiên, bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Nhiều công trình đường bộ cao tốc kịp hoàn thành, đưa vào khai thác song việc đầu tư các trạm dừng nghỉ, cầu vượt dân sinh, hệ thống giao thông minh (ITS)… chưa đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người sử dụng.
Đặc biệt, việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thực tiễn.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quán triệt, nghiêm túc triển khai, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối không say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan trong triển khai nhiệm vụ được giao; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực. Cùng với đó, nắm chắc, bám sát thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời theo tinh thần vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực giao thông vận tải.
"Đây là ba dự án rất quan trọng, ba vùng kinh tế khác nhau trong đó có một vùng kinh tế khó khăn, hai vùng kinh tế trọng điểm Đồng Bằng Sông Hồng Khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên", Thủ tướng nhấn mạnh.
Giao các nhiệm vụ cụ thể cho ngành giao thông vận tải, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng sân bay Long Thành, một dự án trọng điểm rất lớn, thể hiện tiềm lực và uy tín của đất nước và sự tiến bộ trong quản lý, điều hành.
Đánh giá việc triển khai các dự án PPP giao thông chưa đạt kỳ vọng, Thủ tướng nêu rõ từ khi ban hành Luật PPP đến nay, gần như không có dự án PPP nào, 8 dự án đường trục cao tốc Bắc - Nam cuối cùng đều đầu tư công.
Vì vậy, nếu năm 2023, lần đầu tiên ngành giao thông vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam trực tuyến tại 12 điểm cầu thì ngay ngày đầu năm mới 2024 (1/1/2024), một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại khu vực miền núi phía Bắc triển khai theo hình thức PPP sẽ được khởi công.
Cùng với đó, làm xong thủ tục để sớm khởi công cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành tại khu vực Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên, cao tốc Nam Định-Thái Bình tại Đồng bằng sông Hồng…
Thủ tướng cũng mong muốn các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu cần trưởng thành hơn nữa về mọi mặt; đơn vị tư vấn phải thực hiện đúng các quy định; nhà thầu phải tôn trọng pháp luật, không lợi dụng chính sách; các ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng tin tưởng và mong muốn với truyền thống hào hùng, Bộ Giao thông vận tải làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.