Hiện tại, các hãng hàng không khắp thế giới từ United Airlines Holdings Inc. cho đến Air India Ltd. đang đặt hoặc đang tìm cách đặt những đơn hàng máy bay với số lượng hàng trăm chiếc. Trong bối cảnh đó, hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing Co. và Airbus SE ráo riết chuẩn bị cho các đơn hàng “khủng”.
Tuy nhiên, những rào cản trong chuỗi cung ứng đang khiến các đơn hàng đó có thể không được giao sau nhiều năm nữa. Theo dự báo của công ty dịch vụ tài chính Jefferies LLC, hiện tại các nhà sản xuất máy bay đang tồn đọng lượng đơn hàng với tổng cộng khoảng 12.720 máy bay.
Đây được cho là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao chóng mặt trong những tháng gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
"Chúng tôi chưa nhận được chiếc máy bay nào đúng hạn, dù đó là Boeing 737 Max, Boeing 787 hay A330, A350. Tồi tệ nhất là tình hình giao máy bay A321neo. Thời gian giao hàng thực tế cho chúng tôi đã bị chậm giao hàng tới 6-7 tháng so với hợp đồng".
Steve Udvar-Hazy, nhà sáng lập công ty cho thuê máy bay Air Lease Corp
“Hành khách giờ đây quen với việc vé máy bay được giảm giá trong giai đoạn đại dịch và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tình hình thêm tồi tệ”, ông Ajay Awtaney, người sáng lập trang web LiveFromALounge.com, cho biết. “Nguyên nhân không chỉ là thiếu máy bay mà còn đến từ nhiều yếu tố khác như giá dầu”.
Theo ông Awtaney, dù một số hãng hàng không có tiềm lực tài chính tốt ở một số khu vực cụ thể có thể đủ khả năng để tiếp tục giảm giá vé, nhưng điều này sẽ khiến những hãng bay khác gặp khó khăn và thậm chí khiến giá vé tăng cao hơn trong dài hạn.
Cả Boeing và Airbus hiện đã bán hết các mẫu máy bay chở khách một lối đi phổ biến của mình, ít nhất tới năm 2029.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó là nhu cầu lớn từ các hãng hàng không khi hành khách có xu hướng “bay trả thù” sau thời gian bị hạn chế bởi đại dịch, và các hãng bay muốn cơ cấu lại đội bay già nua của mình. Bên cạnh đó là nguyên nhân đến những thách thức của chuỗi cung ứng như gián đoạn nguồn cung linh kiện cần thiết, thiếu lao động…
Hãng Airbus đầu tháng này đã cắt giảm mục tiêu bàn giao máy bay cho khách hàng trong năm nay từ mức 700 chiếc, do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Hãng này trước đó cũng cảnh báo rằng chi phí năng lượng tăng vọt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà cung cấp nhỏ và sử dụng nhiều năng lượng, như nhà sản xuất sản phẩm đúc, rèn…
Theo ông Steve Udvar-Hazy, nhà sáng lập Air Lease Corp. - một trong những công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, các đơn hàng máy bay của công ty này trong hai năm qua đều bị chậm giao.
“Chúng tôi chưa nhận được chiếc máy bay nào đúng hạn, dù đó là Boeing 737 Max, Boeing 787 hay A330, A350. Tồi tệ nhất là tình hình giao máy bay A321neo. Thời gian giao hàng thực tế cho chúng tôi đã bị chậm giao hàng tới 6-7 tháng so với hợp đồng”, ông Udvar-Hazy cho biết. “Nguyên nhân đến từ nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng, tốc độ tăng trưởng quá nóng và thiếu lao động. Công nhân sản xuất không thể làm việc tại nhà. Vì vậy, đây thực sự là một vấn đề”.
Trong khi đó, hàng nghìn máy bay đang “đắp chiếu” tại các sa mạc trên thế giới, do trước đó nhu cầu đi lại giảm mạnh và các quốc gia đóng cửa biên giới. Điều này cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt khi hàng trăm máy bay trong số này chưa được khôi phục hoạt động vì cần bảo dưỡng đặc biệt sau thời gian dài không sử dụng. Một số hãng hàng không thậm chí có kế hoạch loại bỏ dần những máy bay này và không đưa chúng trở lại lịch bay của mình.
Kết quả của tất cả những điều này là hành khách trên khắp thế giới đang phải bay với mức giá cao ngất ngưởng. Giá vé được dự báo có thể tăng hơn nữa khi hoạt động đi lại phục vụ mục đích kinh doanh, công tác phục hồi và nhiều người sẵn sàng tự thưởng cho bản thân một kỳ nghỉ ở nước ngoài đầu tiên sau những năm đại dịch.
Điều đó cũng đồng nghĩa hành khách sẽ phải bay trên những máy bay cũ kỹ hơn.
“Bần cùng nhất, các hãng hàng không có thể sẽ tăng chu kỳ sở hữu máy bay của mình”, ông Sunny Xi, giám đốc tại Singapore của công ty tư vấn Oliver Wyman, nhận định
Theo ông, các hãng hàng không châu Á trước đây lên kế hoạch cho đội bay của mình theo chu kỳ 12 năm, thấp hơn so với hầu hết khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu vài năm qua, một số hãng đã mở rộng chu kỳ hiện tại và có thể sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai.
Với Boeing và Airbus, việc giao máy bay đúng thời hạn giờ đây là vấn đề lớn nhất. Airbus đã chứng kiến nhiều khách hàng lưỡng lự đặt máy bay mới vì họ đang có các đơn hàng gồm 6.100 máy bay thuộc dòng A320neo tồn đọng và phải mất 8 năm mới hoàn thành. Dù đã thông báo về kế hoạch tăng cường sản xuất lên tới 75 chiếc A320 mỗi tháng, Airbus giờ đây đã phải lùi lại mục tiêu đó xuống giữa thập kỷ này.
Trong khi đó, các nhà đầu tư của Boeing đang lo lắng về tiến độ chậm chạp của nhà sản xuất máy bay Mỹ trong việc giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng và tăng cường sản xuất tại các nhà máy. Boeing trước đó thông báo nhận đượ khoảng 850 đơn hàng trong năm nay, bao gồm đơn hàng của United Airlines vào giữa tháng 12.
Một điểm sáng là những nhân viên làm việc trong ngành này sẽ không phải lo bị sa thải trong tương lai gần.
“Lượng đơn hàng tồn đọng đủ lớn để nỗi lo suy thoái kinh tế không phải là vấn đề quan trọng lúc này. Các nhà sản xuất máy bay và các hãng hàng không sẽ cố gắng giữ chân nhân viên”, ông George Ferguson, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận xét.