Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội cho biết, trong năm 2023, Ban tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả. Đồng thời duy trì, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đối với 10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 gồm 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp), và 6 khu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân), UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy cần khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, hoàn thành chậm nhất trong quý 1/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý 2/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý 3/2023.
Bên cạnh đó, TP.Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các nhà chung cư trên địa bàn, đề xuất 2-3 nhà chung cư có điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trước và có kế hoạch triển khai cụ thể các nhà chung cư này.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn nội đô Hà Nội có 1.579 chung cư cũ tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng giai đoạn từ 1960-1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Hơn 20 năm qua, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề được Chính phủ và TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm… Tuy nhiên đến nay, kết quả việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ vẫn hạn chế do nhiều khó khăn vướng mắc.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp cải tạo chung cư cũ và quản lý, vận hành nhà chung cư” vừa qua, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng việc cải tạo xây dựng chung cư cũ thực tế còn những xung đột về lợi ích. Chẳng hạn như quy định 4 quận nội thành không được tăng mật độ dân số, mật độ xây dựng và chiều cao. Đây rõ ràng là bài toán khó cho doanh nghiệp bởi làm sao có lời, ngoài ra việc đền bù cũng không thỏa mãn người dân…
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin thêm, trong tổng số 1.800 chung cư cũ, hiện có 1.579 chung cư thống kê đầy đủ, nhưng còn 300 chung cư là nhà tự quản của các đơn vị, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chưa bàn giao cho thành phố bởi vấn đề thời hạn sở hữu chung cư…
Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, song theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, công tác cải tạo chung cư cũ cần được đẩy nhanh vì mục tiêu ưu tiên bảo vệ tính mạng con người. Tình trạng cơi nới khắp các chung cư sẽ kéo theo nhiều nguy cơ, khi mà bê tông có tuổi thọ và cũng bị ảnh hưởng chất lượng theo thời gian, đến một lúc nào đó, không cần tải trọng nặng hay chấn động lớn, tòa nhà sẽ tự sụp đổ. Ông Cường cho rằng, nếu cứ bàn về quyền lợi thì câu chuyện còn rất dài và không có hồi kết.