Trong nửa thế kỷ hình thành và phát triển, thành công của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày hôm nay có vai trò rất quan trọng của hợp tác quốc tế. Công tác này luôn được EVNNPC rất chú trọng, bắt đầu từ việc tiếp tục xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà bằng nguồn vốn giúp đỡ của Liên Xô.
Ngay sau khi được thành lập, Công ty Điện lực tiếp nhận và nhanh chóng triển khai công trình và ngày 22/2/1970 ngăn sông và lần lượt đưa vào vận hành các tổ máy 1 (5/10/1971), tổ máy 2 (10/3/1972) và tổ máy 3 (19/5/1972).
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
Công trình Thủy điện Thác Bà đã trở thành một trường học đào tạo thế hệ những cán bộ chuyên môn và tích lũy nhiều kinh nghiệm quí báu cho ngành Điện Việt Nam phát triển những giai đoạn sau này, đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế còn rất mới mẻ đối với Việt Nam lúc bây giờ.
Sau công trình Thủy điện Thác Bà, Công ty Điện lực khởi công công trình Nhiệt điện Ninh Bình (100MW) do Trung Quốc viện trợ (24/6/1971) và công trình Thủy điện Hòa Bình (1920MW) bằng nguồn vốn vay của Liên Xô (6/11/1979).
Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) ra đời. Một số đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 1 đã được tách ra khỏi Công ty Điện lực 1 về trực thuộc EVN. Các Sở Điện lực tỉnh, thành phố được đổi tên thành Điện lực tỉnh…Đây cũng là thời điểm Việt Nam có những chuyển biến cơ bản về quan hệ quốc tế: Mỹ bỏ cấm vận kinh tế. Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) … bắt đầu nối lại quan hệ và cho Việt Nam vay các khoản vốn vay phát triển chính thức.
Từ hiệu quả các dự án trên, EVNNPC đã khẳng định với các tổ chức tài chính quốc tế về hiệu quả từ các dự án góp phần tăng trưởng nền kinh tế và giảm nghèo, trong khi dòng vốn này trên thế giới có xu hướng giảm thì đối với Việt Nam và đặc biệt đối với ngành Điện lại tiếp tục tăng.
Thay đổi bộ mặt nông thôn 27 tỉnh phía Bắc
Giai đoạn 2006-2010, đây là giai đoạn Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên chính thức của WTO, vốn ODA đạt được 28,05 tỷ USD vốn cam kết và tỷ lệ giải ngân đạt 44,21%. Cũng ở vào thời điểm này, EVNNPC được là một thành phần của Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam vay vốn World Bank (WB) theo Hiệp định tín dụng số 3358-VN ký ngày 1/9/2000 giữa Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) và Bộ Tài Chính (thay mặt Chính phủ Việt Nam).
Do EVNNPC thực hiện đấu thầu thi công xây lắp nên đã giảm được rất nhiều chi phí. Quá trình thực hiện dự án đã tiết kiệm được vốn đầu tư, nên đã tăng được quy mô đầu tư từ 340 xã lên 530 xã góp phần cung cấp điện cho người dân nông thôn ở diện rộng hơn so với dự kiến ban đầu của Dự án.
Vào cuối những năm 1990 và đầu năm 2000, EVNNPC luôn là đơn vị đi đầu trong các đơn vị phân phối về tiếp cận các nguốn vốn vay ưu đãi nước ngoài và luôn được EVN và các tổ chức cho vay đánh giá cao về công tác triển khai, thực hiện dự án ODA, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Từ năm 1993 đến nay, EVNNPC đã triển khai 21 dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ nước ngoài từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ, Chính phủ Phần Lan và Ngân hàng Tái thiết Đức, với tổng mức đầu tư lên đến 1,783 tỷ USD, trong đó số vốn nước ngoài là 1,240 tỷ USD. Nguồn vốn ODA này đã góp phần vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu cải tạo, phát triển và xây mới lưới điện 27 tỉnh phía Bắc.
Những kết quả trên có ý nghĩa sâu sắc, bởi nó đạt được trong bối cảnh khối lượng vốn ODA trên thế giới đang có xu hướng giảm sút, nhưng một số đối tác vẫn gia tăng viện trợ cho Việt Nam như: WB, ADB, Nhật Bản, EU. Điều này khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam và ngành Điện nói chung và EVNNPC nói riêng ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, góp phần thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo...
Trong thành quả trên của EVNNPC có sự đóng góp không nhỏ của Ban Hợp tác quốc tế với vai trò là bộ phận "ngoại giao", đồng thời cũng là "cầu nối" cho các nguồn vốn quốc tế. Nhiệm vụ của Hợp tác quốc tế đòi hỏi cán bộ phải có tố chất của nhà ngoại giao, tâm huyết với nghề.