Cỏ Mềm Homelab, SANCHA, và MD Care không chỉ mang trong mình khát vọng nâng tầm sản phẩm Việt, mà còn trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo và bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện độc quyền với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, các nhà sáng lập các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam như bà Trịnh Đặng Thuận Thảo, bà Jenny Nga Trần và ông Đỗ Quốc Tuấn đã chia sẻ những câu chuyện về hành trình nghiên cứu và tạo nên sản phẩm, mang tới những giá trị độc đáo từ chính chất liệu văn hóa và thiên nhiên Việt Nam.
KHO BÁU CẦN PHÁT TRIỂN ĐÚNG CÁCH
Xuất thân là một bác sĩ và với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành làm đẹp, ông Đỗ Quốc Tuấn, người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm MD Care, nhận ra một vấn đề rất lớn là Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu các sản phẩm dược mỹ phẩm từ nước ngoài.
Điều này xuất phát từ lý do các sản phẩm trong nước đa phần chưa đáp ứng được chất lượng kỳ vọng, cũng như chưa cải thiện được rõ các vấn đề về da của khách hàng, bệnh nhân. “Vì vậy, khi thành lập MD Care, chúng tôi mong muốn cung cấp các sản phẩm dược mỹ phẩm với tiêu chuẩn chất lượng cao để có thể giải quyết các vấn đề trên làn da người Việt”, ông Tuấn cho biết.
Khát vọng được làm ra một sản phẩm từ nguyên liệu Việt, cho người Việt và vì người Việt đã thúc đẩy bà Jenny Nga Trần quyết định nghiên cứu và phát triển thương hiệu mỹ phẩm SANCHA. Đặc biệt, sau khi ghé thăm Hà Giang và được cộng sự của mình – người đã có gần 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và sản xuất chè – giới thiệu sử dụng mẫu sản phẩm chăm sóc da từ chè Shan Tuyết mà người cộng sự này đã phát triển, bà Jenny và đội ngũ của mình đã được thôi thúc để phát triển các giải pháp chăm sóc da từ loại chè quý giá này.
“Khi nhìn vào nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta đang có một kho báu cần được phát triển và bảo vệ đúng cách. Công việc của tôi với SANCHA, một cách nào đó, chính là làm cầu nối – kết nối giá trị truyền thống lâu đời với nhu cầu làm đẹp hiện đại”, bà Jenny Nga Trần chia sẻ.
Còn đối với bà Thuận Thảo, người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Cỏ Mềm Homelab, mỗi ngày được nghiên cứu, làm việc với hoa lá cỏ cây chiết xuất, được nhìn thấy những sản phẩm của mình đem lại hiệu quả, niềm vui cho khách hàng chính là điều khiến bà hạnh phúc.
Với quyết tâm mang lại những sản phẩm thiên nhiên an toàn, lành và thật, nhằm thay thế hóa chất độc hại cho sức khỏe và kém thân thiện với môi trường, bà Thuận Thảo đã nghiên cứu và cho ra đời thương hiệu Cỏ Mềm Homelab. Đây cũng là hướng đi kiên định giúp Cỏ Mềm xây dựng định vị rõ nét trong thị trường mỹ phẩm đa dạng và củng cố được sự tin cậy trong lòng khách hàng.
NGUYÊN LIỆU LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG
Việt Nam có nguồn thảo mộc phong phú, cùng nền tảng y học cổ truyền lâu đời nên nhiều bài thuốc, dược liệu được sử dụng trong đời sống theo cách dùng tươi, khô hoặc đun sắc.
Mặc dù nguyên liệu từ thiên nhiên luôn mang lại những lợi ích vượt trội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ khâu điều chế cho đến bảo quản sản phẩm.
Theo bà Thuận Thảo, khó khăn thường gặp nhất khi sử dụng các nguyên liệu đến từ thiên nhiên là chất lượng của nguyên liệu thảo mộc, dược liệu nuôi trồng quy mô nhỏ sẽ kém đồng đều, phụ thuộc mùa vụ, vùng trồng... nên việc kiểm nghiệm đầu vào là quan trọng nhất.
Hiện nay, nhiều nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam có giá thành không cạnh tranh bằng nguồn nhập khẩu, dẫn đến việc nhiều thương hiệu mỹ phẩm còn e dè khi sử dụng nguyên liệu nội địa, vì họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cân bằng giữa giá cả và giá trị nhận được. Đối với SANCHA, chè Shan Tuyết vốn nổi tiếng đắt đỏ, đặc biệt khi thương hiệu này sử dụng nguồn chè cổ thụ tại độ cao hơn 1.200m làm nguyên liệu. Tuy nhiên, bà Jenny Nga Trần khẳng định đây chính là giá trị cốt lõi và độc nhất của SANCHA.
“Thách thức lớn nhất đối với SANCHA là cân bằng giữa giá thành sản xuất và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Việc sử dụng chè Shan Tuyết cổ thụ khiến chi phí nguyên liệu cao gấp 2-3 lần so với các thành phần thông thường. Tuy nhiên, chúng tôi đã tối ưu hóa quy trình sản xuất để đưa các sản phẩm vào phân khúc giá trung bình – cao, mà vẫn đảm bảo chất lượng”. bà Jenny chia sẻ.
Đối với Cỏ Mềm, bà Thuận Thảo cho biết thương hiệu luôn ưu tiên lựa chọn thảo mộc Việt Nam không chỉ vì hiệu quả về công năng, đội ngũ nghiên cứu đã có tích lũy hiểu biết về nguồn nguyên liệu quen thuộc, mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản cho người trồng; đồng thời giảm nhập khẩu, giảm khí thải vận chuyển giúp bảo vệ môi trường.
Riêng đối với MD Care, do đặc thù là dược mỹ phẩm, các nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đều được nhập khẩu từ châu Âu. Chia sẻ về yếu tố này, ông Quốc Tuấn khẳng định với sứ mệnh xây dựng dòng sản phẩm của Việt Nam và với lòng tự hào của người Việt, MD Care luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển và hợp tác với các đối tác cung cấp nguyên liệu từ Việt Nam.
“Trong tương lai, chúng tôi chắc chắn sẽ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các nguyên liệu bản địa, vừa tận dụng tiềm năng tự nhiên của đất nước, vừa giảm sự phụ thuộc nhập khẩu. MD Care đang có những kế hoạch hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước để nghiên cứu các loại thảo dược và nguyên liệu thiên nhiên từ Việt Nam có khả năng đem lại hiệu quả cao trong việc điều trị các vấn đề trên da.”, ông Tuấn chia sẻ.
TƯƠNG LAI ĐẦY RỘNG MỞ
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường mỹ phẩm hiện nay, ông Quốc Tuấn cho biết MD Care phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá khi thị trường đang ngày càng có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm, bao gồm cả hàng nhập khẩu với giá rẻ và các sản phẩm làm đẹp trong nước.
“Các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế với tài chính mạnh và chiến dịch quảng cáo rầm rộ đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, khiến MD Care phải từng bước vững chắc để xây dựng lòng tin từ người tiêu dùng. MD Care cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả và cung cấp trải nghiệm khách hàng xuất sắc nhằm tạo dựng bản sắc riêng và khẳng định giá trị bản thân”, ông Quốc Tuấn chia sẻ.
Bà Jenny Nga Trần nhận định các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế làm rất tốt cả về phần hình ảnh và công dụng sản phẩm, đặc biệt họ luôn cải tiến và sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Như những năm gần đây, thị trường mỹ phẩm nội địa cũng đang có những bước tiến đáng khích lệ, với các thương hiệu được đầu tư bài bản. Điều này không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho mỹ phẩm Việt Nam mà còn thúc đẩy một cuộc cạnh tranh lành mạnh với các “ông lớn”.
“Tôi tin rằng thị trường luôn có chỗ đứng cho những thương hiệu có tâm và có tầm. Khách hàng Việt giờ không chỉ mua sản phẩm, họ còn mua giá trị và câu chuyện đằng sau nó. SANCHA mong muốn được đưa một phần di sản văn hóa Việt Nam lên bản đồ làm đẹp thế giới, đó là điều mà một thương hiệu nội địa có thể làm tốt hơn bất kỳ thương hiệu quốc tế nào”, bà Jenny cho biết.
Trong tương lai, ngành mỹ phẩm, đặc biệt là dược mỹ phẩm nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn cả trên thị trường quốc tế.