PGS. TS. Joseph Larkin III tại Khoa vi sinh vật học và khoa học tế bào của Đại học Florida cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng việc tiêm vaccine làm tăng đáng kể lượng kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Các bà mẹ đã được tiêm vaccine có thể truyền khả năng miễn dịch này cho con của họ".
Khi trẻ mới sinh ra, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển, khiến trẻ khó có thể tự mình chống lại các bệnh nhiễm trùng. BS. Josef Neu, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Khoa nhi, Khoa sơ sinh của Trường Đại học Y khoa, Đại học Florida, giải thích: "Tiêm vaccine bổ sung thêm một công cụ nữa giúp chuẩn bị cho trẻ sơ sinh vào đời, một công cụ có khả năng đặc biệt tốt trong việc ngăn ngừa bệnh Covid-19. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng vaccine có thể giúp bảo vệ cả mẹ và con, một lý do thuyết phục khác để phụ nữ mang thai hoặc cho con bú tiêm vaccine trước khi sinh".
Nghiên cứu trên của Đại học Florida được thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, khi vaccine Pfizer và Moderna lần đầu tiên được cung cấp cho các nhân viên y tế. Các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 21 nhân viên chăm sóc sức khỏe đang cho con bú chưa bao giờ mắc bệnh Covid-19. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu và sữa mẹ của các bà mẹ 3 lần: trước khi tiêm chủng, sau liều đầu tiên và sau khi tiêm liều thứ 2.
Lauren Stafford, một nghiên cứu sinh tiến sĩ thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi thấy phản ứng kháng thể mạnh mẽ trong máu và sữa mẹ sau liều thứ 2, tăng gấp trăm lần so với mức trước khi tiêm chủng. Chúng tôi quan sát thấy, những mức độ kháng thể này cao hơn so với việc nhiễm virus tự nhiên".
Một nghiên cứu khác của nhóm Golan của Đại học California ở San Francisco thì sử dụng kỹ thuật RT-PCR để kiểm tra lượng mRNA có trong sữa từ người mẹ được chích ngừa vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna sau khoảng 4 - 48 giờ. Kết quả là không thấy được bất cứ lượng mRNA nào từ vaccine trong sữa mẹ. Ngoài ra, những loại vaccine được làm từ Adenovirus như AstraZeneca hoặc Jassen (Johnson & Johnson) cho đến hiện nay cũng cho thấy khá an toàn vì chúng đã được biến đổi gen để không thể sinh sản trong cơ thể người và cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có thể truyền qua sữa mẹ qua con bằng đường chích ngừa.
Như vậy, vaccine không những không truyền qua sữa mẹ để gây hại cho em bé, mà còn có lợi ích phòng ngừa nhiễm Covid-19 cho bà mẹ và có thể mang lại lợi ích cho em bé đang bú sữa mẹ. Vì kết quả nghiên cứu cho thấy kháng thể được tạo ra từ người mẹ sau khi chích vaccine Covid-19 có thể được truyền qua dòng sữa này để đến được trẻ sơ sinh. Kháng thể trong sữa này có thể ổn định trong suốt thời gian vaccine có hiệu lực và khá tương đồng với lượng kháng thể có trong máu của người được chích ngừa.
Một nghiên cứu khác nữa của một nhóm nhà khoa học ở Đại học Washington ở St. Louis cho thấy những các kháng thể IgG, IgA kháng SARS-COV-2 có thể tìm thấy trong sữa mẹ của những người đã chích vaccine của Pfizer/BioNTech là đến 8 tháng. Một nghiên cứu khác ở Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) cũng cho thấy kết quả tương tự trên vaccine mRNA của Moderna.
“Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu đời không sản xuất được các kháng thể để chống lại vi khuẩn và virus có hại một cách hiệu quả cho đến khi chúng đạt 3 hoặc 6 tháng tuổi. Do vậy, việc cho con bú sữa mẹ trong giai đoạn này ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn giúp cung cấp các kháng thể để tạo một hệ miễn dịch thụ động cho bé chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn," hãng tin Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Trong đại dịch Covid-19, dựa trên các số liệu hiện có cho đến nay, chúng ta thấy rằng hầu hết trẻ em (dưới 18 tuổi) nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong nhóm này thì trẻ dưới 2 tuổi có tỉ lệ nhập viện cao hơn, có thể do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Do vậy, các nhà khoa học hy vọng rằng việc truyền kháng thể từ mẹ đã được chích ngừa sang cho con sẽ giúp cải thiện tỉ lệ bệnh nặng ở trẻ sơ sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 được sử dụng hiện nay là loại vaccine tái tổ hợp, không chứa virus sống. Dựa trên cơ chế hoạt động của vaccine trong cơ thể con người, vaccine Covid-19 được cho là rất an toàn, không gây nguy hại đến phụ nữ cho con bú hoặc trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ.
Đồng thời, việc tiêm vaccine cũng không thể gây ra nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con qua đường sữa mẹ. Hơn nữa, kháng thể có trong sữa mẹ còn có tác dụng bảo vệ trẻ trước các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 và vẫn tiếp tục cho con bú sau khi tiêm.