July 25, 2025 | 13:51 GMT+7

Khánh Hòa đến năm 2030: Đột phá từ cơ chế đặc thù và cơ chế huy động vốn thông minh

Anh Nhi -

Với mục tiêu đầy tham vọng là thu hút 1 triệu tỷ đồng đầu tư từ nay đến năm 2030 để đưa Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia cho rằng Khánh Hòa cần tận dụng “bệ phóng” từ cơ chế đặc thù và huy động nguồn vốn một cách thông minh…

Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” sáng ngày 25/7 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng.
Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” sáng ngày 25/7 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng.

Khánh Hòa đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là một cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Để hiện thực hóa khát vọng này, việc tận dụng cơ chế đặc thù và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được xem là giải pháp đột phá để Khánh Hòa có thể tận dụng tối đa lợi thế, vượt qua thách thức.

“BỆ PHÓNG” TỪ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Chia sẻ tại hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” sáng ngày 25/7, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

“Việc này cần được thực hiện hết sức thận trọng để khi chúng ta đề xuất cơ chế, chính sách mới, chúng phải có tính khả thi và thiết thực”, ông Hiếu phát biểu. “Đây không phải là việc chờ đợi mọi vấn đề được giải quyết mới hành động, mà là sự linh hoạt trong việc xem xét điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 55 để tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách hiện hành, giúp Khánh Hòa có thể triển khai nhiều công việc ngay lập tức”.

Một trong những giải pháp then chốt được ông Hiếu đề cập là việc tận dụng quyền tự quyết của địa phương. Với nhiều nghị quyết và luật mới được ban hành, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương đang có quyền rất lớn trong việc tự quyết định các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.

Điển hình là vấn đề giá đất và tiền thuê đất. Nghị định 103 của Chính phủ cho phép các địa phương quyết định hệ số thu tiền sử dụng đất trong khoảng từ 0,25% đến 3%. Đây là một dư địa rất lớn so với quy định trước đây.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khuyến nghị Khánh Hòa nên tận dụng tốt cơ chế đặc thù.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khuyến nghị Khánh Hòa nên tận dụng tốt cơ chế đặc thù.

“Điều này có nghĩa là, dựa vào hoàn cảnh thực tế của mình, địa phương có thể giảm ngay tiền sử dụng đất mà không cần chờ đợi điều chỉnh Luật Đất đai”, ông Hiếu cho biết.

Bên cạnh việc tận dụng quyền tự quyết, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án cũng là ưu tiên hàng đầu để thu hút đầu tư hiệu quả. Trong đó, để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, vị chuyên gia cho rằng Khánh Hòa cần đưa ra một con số cụ thể về các dự án đang gặp vướng mắc, ngoài những dự án đã được giải quyết theo Nghị quyết 110/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.

“Cần xác định rõ những dự án đầu tư nào đã và đang triển khai gặp vướng mắc, vướng mắc cụ thể là gì, và những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của địa phương để giải quyết”, ông nói.

Đặc biệt, vị chuyên gia nhấn mạnh Khánh Hòa nói riêng và các địa phương nói chung đang có một cơ chế rất thuận lợi là Nghị quyết 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp có mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc điểm chưa rõ ràng trong luật và chưa thể sửa đổi ngay, có thể đề nghị Ủy ban Pháp luật Quốc hội giải thích, hoặc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý. Chính phủ cũng có thể ban hành nghị quyết để giải quyết các khó khăn này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

MỞ KHÓA NGUỒN VỐN CHO PHÁT TRIỂN

Không chỉ tận dụng nhưng cơ chế đặc thù, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng Khánh Hòa cần giải pháp thông minh để hiện thực hóa mục tiêu thu hút 4 triệu tỷ đồng đầu tư từ này đến năm 2030.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright, cho rằng Khánh Hòa cần có cơ chế huy động vốn thông minh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright, cho rằng Khánh Hòa cần có cơ chế huy động vốn thông minh.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright, cho biết dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân của Khánh Hòa là 300 nghìn tỷ đồng. “Đây là một con số đáng mừng, nhưng nếu so sánh với quy mô nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy còn nhiều việc phải làm”, ông Thành nhận định.

Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, tích lũy các khoản vay mới (tổng các khoản vay mới trừ đi các khoản hoàn trả) chỉ là 35 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng đầu tư thực hiện của năm ngoái từ tất cả các nguồn vốn tại Khánh Hòa đạt 37.400 tỷ đồng và Ninh Thuận đạt 20.300 tỷ đồng.

Như vậy, tổng đầu tư thực hiện trên địa bàn hai tỉnh sau sáp nhập cộng lại chỉ xấp xỉ 60 nghìn tỷ đồng. Điều này đặt ra một thách thức lớn khi Khánh Hòa mong muốn nâng mức đầu tư trong 5 năm tới. Trong bối cảnh hệ thống tài chính hiện nay chủ yếu dựa vào các tổ chức tín dụng, việc dư nợ tín dụng chỉ khoảng 300 nghìn tỷ đồng cho thấy cần có thêm các kênh huy động vốn khác.

Mặc dù có kỳ vọng lớn vào nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn từ ngân sách địa phương và cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 55 của Quốc hội, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là Nghị quyết 55 cho phép tỉnh Khánh Hòa huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu địa phương và vay từ các tổ chức tín dụng; tuy nhiên, tương tự như các thành phố trực thuộc Trung ương, mức dư nợ phát hành trái phiếu và vay của tỉnh chỉ được giới hạn ở 60% tổng nguồn thu ngân sách hàng năm.

Ông Thành tính toán với nguồn thu ngân sách của Khánh Hòa và Ninh Thuận hiện tại chỉ khoảng 15 nghìn tỷ đồng, giới hạn 60% của con số này là rất nhỏ so với nhu cầu đầu tư đầy tham vọng trong 5 năm tới, ngay cả khi nguồn thu ngân sách có thể tăng lên hơn 20 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy sự cần thiết của một cơ chế huy động vốn linh hoạt và đột phá hơn.

Để giải quyết nút thắt về huy động vốn, ông Nguyễn Xuân Thành đã đề xuất một kênh huy động vốn mới đầy tiềm năng. Đó là phát hành trái phiếu mà không coi đó là trái phiếu của chính quyền địa phương, không tính vào nợ công, và không bị giới hạn 60% tổng thu ngân sách. Các trái phiếu này gắn với dự án này gắn với các dự án cơ sở hạ tầng, tiềm năng lan tỏa, tăng giá trị đất, thúc đẩy đô thị hóa… và được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất, được thúc đẩy và đảm bảo bởi các dự án hạ tầng. Song thách thức đảm bảo tính hiệu quả của dự án chính là quá trình giải phóng mặt bằng và triển khai, phải khớp với tiến độ huy động vốn và hoàn trả nợ.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank, cho biết Vietcombank đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank, cho biết Vietcombank đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, đã khẳng định cam kết của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng Khánh Hòa. Theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW, Khánh Hòa được đặt vào vị thế tiên phong của sự phát triển đột phá.

Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Khánh Hòa đạt gần 175 nghìn tỷ đồng, và tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 194 nghìn tỷ đồng. Mặc dù huy động mới đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu vốn, nhưng nhờ điều hòa vốn nội bộ linh hoạt, tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn.

Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 14/7/2025 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025-2030 đã xác định 4 trụ cột kinh tế cần thúc đẩy mạnh mẽ: Công nghiệp, Năng lượng, Du lịch dịch vụ và Xây dựng đô thị. Ngành ngân hàng cam kết tiếp tục hướng tín dụng vào các trụ cột này, chú trọng các dự án trọng điểm như Khu đô thị mới Cam Lâm, nhà máy điện hạt nhân, Cao tốc Bắc Nam (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo), năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, công nghiệp chế biến. Đặc biệt, ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân, SME, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, và đổi mới sáng tạo để đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Ngân hàng cũng sẽ tăng cường kết nối, lắng nghe, nắm bắt khó khăn để tháo gỡ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank, khẳng định với vị thế là ngân hàng uy tín hàng đầu, Vietcombank sẽ là cầu nối quan trọng giúp truyền tải các chính sách, chương trình của Chính phủ, NHNN, với các gói vay ưu đãi lãi suất như cho vay nhà ở xã hội (30.000 tỷ đồng) , nông sản, lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng) và gói tín dụng cho người trẻ mua nhà “Nhà mới Thành Đạt” (10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,2%/năm). Vietcombank cũng dự kiến tham gia gói 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng chuyển đổi số và gói hỗ trợ lãi suất ESG của NHNN/Chính phủ.

“Với sự chủ động của ngành ngân hàng, sự quyết liệt của chính quyền địa phương và tinh thần đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp, Khánh Hòa đang có đủ nền tảng để kiến tạo một tương lai hiện đại, phát triển và bền vững”, ông Cường nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate