UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch số 10082 nhằm hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai một số hoạt động hỗ trợ trọng tâm như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với thương mại du lịch.
Hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường công tác truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức các cuộc thi nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại.
UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn triển khai các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Nội dung số 3, Tiểu dự án 2 - Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế tại địa phương…
Liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội thu hút đầu tư của Khánh Hòa chung, ông Nguyễn Tấn Tuân Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, 9 tháng đầu năm, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về kinh tế, các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục phục hồi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh với các chỉ tiêu 9 tháng năm 2023: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,17% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 5/63 của cả nước và thứ 1 của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 85.114,6 tỷ đồng, tăng 19,7% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.196,8 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch của Khánh Hòa đạt 27.502,8 tỷ đồng, tăng 154,8% so cùng kỳ năm trước, với 5,7 triệu lượt khách, tăng 173,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 9,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu nội địa là 9.839,3 tỷ đồng, đạt 73,1% dự toán và bằng 103% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, 9 tháng đầu năm, Khánh Hòa đã thu hút 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, một số dự án đáng chú ý trong 3 quý đầu năm là Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh với quy mô vốn gần 85.300 tỷ đồng; Khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh hơn 3.700 tỷ đồng; khu nhà ở Vinpearl Phú Quý hơn 7.400 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội Hưng Phú II hơn 1.000 tỷ đồng...
Về môi trường, có dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất các sản phẩm từ rác tại huyện Cam Lâm hơn 3.200 tỷ đồng...