Sáng ngày 13/12/2022, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 12/2022 để xem xét, cho ý kiến đối với Phương án xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo HĐND tỉnh Khánh Hoà, thời gian qua, tình hình đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang có nhiều tín hiệu tích cực; tỷ lệ giải ngân tăng cao.
Kết quả điều tra, khảo sát các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường từ tháng 12/2021 đến tháng 08/2022 cho thấy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, tập trung tại một số địa phương: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn và chủ yếu phổ biến là đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hoà thống nhất phương án hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 do UBND tỉnh trình theo hướng tăng so với năm 2022, cụ thể:
Đối với đất nông nghiệp: tăng từ 7% đến 13% đối với địa bàn các phường, thị trấn và tăng từ 8% đến 27% đối với địa bàn các xã.
Đối với đất phi nông nghiệp: đất ở tại đô thị tăng từ 4% đến 16%; đất ở tại nông thôn tăng từ 5% đến 25%; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tăng từ 7% đến 18%; đất thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp tăng từ 7% đến 18%.
Việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết ngay sau phiên họp, UBND tỉnh sẽ sớm hoàn chỉnh và ban hành Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Quyết định này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2023.
Trước đó, vào tháng 5/2022, UBND tỉnh Khánh đã ban hành Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/5/2022. Theo đó, giá đất năm 2022 sẽ được tính bằng cách lấy bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 nhân với hệ số giá đất.
Hệ số giá đất nông nghiệp năm 2022 của tỉnh vẫn giữ nguyên so với năm 2021, còn đất phi nông nghiệp tăng từ 5% đến 25%.
Trong đó, loại đất ở đô thị tại TP. Nha Trang ở vị trí 1 của đường Trần Phú tính từ nam cầu Trần Phú đến đường Hoàng Diệu có mức tăng cao nhất là 3,6 lần (năm 2021 là 3 lần). Vị trí còn lại của các loại đường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8… tăng từ 2,4 lần đến 3 lần.
Đất ở đô thị tại TP. Cam Ranh và phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa có hệ số là 1,9 lần. Các khu vực khác từ 1,3 – 1,8 lần.
Đối với đất ở nông thôn và ven trục giao thông chính, các xã thuộc TP. Nha Trang có hệ số điều chỉnh giá đất là 2 lần. Các thôn, xã miền núi, đồng bằng của TP. Cam Ranh có hệ số 1,5. Còn lại dao động từ 1,1 - 1,4 lần.
Đất thương mại dịch vụ tại đô thị, cao nhất ở TP. Nha Trang có mức từ 1,8 – 2,8 lần, trừ các đảo. Vị trí số 1 đường Trần Phú tiếp tục có hệ số cao nhất. Các địa phương khác từ 1,1 – 1,5 lần.
Đất thương mại dịch vụ tại nông thôn và ven trục giao thông chính thuộc các xã của TP. Nha Trang có hệ số điều chỉnh giá đất là 1,5 lần; khu tái định cư trên địa bàn các xã ở TP. Nha Trang là 1,6 lần. Các địa phương khác đa số là 1,1 lần.
Đối với đất nông nghiệp, hệ số cao nhất là các phường ở TP. Nha Trang với mức 1,6 lần; riêng các đảo thuộc phường Vĩnh Nguyên là 1,2 lần. Đối với thị trấn Diên Khánh, hệ số điều chỉnh giá đất là 1,4 lần. Tại các xã, phường, thị trấn còn lại, hệ số dao động từ 1,1 - 1,3 lần…
Theo quyết định về việc ban hành quy định về bảng giá đất định kỳ 5 năm giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đối với đất ở, tại TP Nha Trang có mức giá tối đa là 27 triệu đồng/m2, tối thiểu 400.000 đồng/m2.
TP. Cam Ranh cao nhất 3,9 triệu đồng/m2, thấp nhất 299.000 đồng/m2; thị xã Ninh Hòa cao nhất 3,9 triệu đồng/m2, thấp nhất 156.000 đồng/m2.
Đối với các huyện như huyện Vạn Ninh có mức giá cao nhất là 3,12 triệu đồng/m2, thấp nhất là 169.000 đồng/m2; huyện Diên Khánh cao nhất 3,38 triệu đồng/m2, thấp nhất 156.000 đồng/m2; huyện Cam Lâm cao nhất 2,21 triệu đồng/m2, thấp nhất 130.000 đồng/m2…
Giá đất thương mại dịch vụ được xác định theo vị trí, loại đường, hệ số như xác định giá đất ở và bằng 80% giá đất ở cùng vị trí nhưng không được dưới khung giá tối thiểu quy định.