May 16, 2011 | 18:59 GMT+7

“Khép cửa” với xe hơi nhập khẩu không chính thức

Đức Thọ

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống

"Cửa" đối với các doanh nghiệp kinh doanh ôtô du lịch nhập khẩu không chính thức sắp khép lại - Ảnh: Đức Thọ.
"Cửa" đối với các doanh nghiệp kinh doanh ôtô du lịch nhập khẩu không chính thức sắp khép lại - Ảnh: Đức Thọ.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Theo đó, kể từ ngày 26/6/2011, để nhập khẩu loại mặt hàng trên, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, các thương nhân phải nộp bổ sung  thêm một số loại giấy tờ cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục.

Cụ thể là để được nhập khẩu, doanh nghiệp buộc phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Các loại giấy tờ trên doanh nghiệp có thể nộp một bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính.

Giới kinh doanh ôtô nhập khẩu đánh giá quy định của Bộ Công Thương giống như một động tác “khép cửa” đối với thị trường ôtô nhập khẩu không chính thức. Bởi lẽ sẽ không hề đơn giản để doanh nghiệp có được các loại giấy tờ theo quy định tại thông tư này.

Trước hết là ở vấn đề quan hệ giao thương, đối tác. Một trong những nguyên tắc của các nhà sản xuất ôtô đối với các thị trường ngoài nước là nhà phân phối phải đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý, dịch vụ để có thể đại diện cho hãng tại thị trường sở tại, qua đó đảm bảo được sự an toàn và phát triển uy tín thương hiệu của hãng. Thứ hai là tại một thị trường bên ngoài, nếu hãng đã có liên doanh với doanh nghiệp của quốc gia (hay vùng lãnh thổ) đó hoặc đã có nhà phân phối chính thức thì thông thường sẽ không cho phép mở thêm bất kỳ nhà phân phối chính thức nào khác.

Trong khi đó, việc nhận được sự đồng ý để có thể được cấp giấy chỉ định của nhà nhập khẩu hay phân phối chính thức của một hãng ôtô nào đó tại Việt Nam gần như là bất khả thi đối với các doanh nghiệp khác.

Ví dụ tại Việt Nam, tập đoàn Audi đã có nhà nhập khẩu và phân phối chính thức là Automotive Asia và Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế thì đương nhiên Audi sẽ không cho phép có thêm nhà nhập khẩu và phân phối khác. Vì vậy, việc có được hợp đồng đại lý là không thể. Hay với trường hợp Toyota. Tập đoàn này hiện đã có liên doanh - đồng nghĩa là đại diện chính thức - tại Việt Nam nên cũng sẽ không cấp phép cho nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc khác vì như thế sẽ gây ra xung đột lợi ích với chính liên doanh của mình.

Các salon ôtô nhập khẩu cho rằng, việc có được chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp không quá khó khi doanh nghiệp đầu tư lớn. Tuy nhiên, có được các giấy tờ từ nhà sản xuất hay đại diện của họ tại Việt Nam  đồng thời đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật mới là bài toán nan giải.

Tại thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam hiện nay đang tồn tại 3 hình thức phân phối, gồm: Nhà nhập khẩu và phân phối chính thức như BMW Euro Auto, Audi, Porsche; các liên doanh sản xuất, lắp ráp thực hiện thêm chức năng nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc như Toyota, Ford; các salon kinh doanh xe nhập khẩu không chính thức.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Công Thương quy định các thủ tục bổ sung của đối với doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống tại Thông tư 20 thực tế chỉ tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu không chính thức.

Tại Hà Nội, Tp.HCM hay Hải Phòng hiện nay đang tồn tại rất nhiều các doanh nghiệp như vậy. Đại đa số các doanh nghiệp này chỉ tiến hành mua xe tại nước ngoài (như một khách hàng thông thường) rồi đưa về Việt Nam bán cho người tiêu dùng. Do đó, các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng chính hiệu thường không được đảm bảo. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp này thường chỉ bán xe chứ không thực hiện hoặc không đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn. Thậm chí nhiều trong số đó chỉ kinh doanh ôtô trong một thời gian ngắn rồi chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác.

Từ lý do trên, Bộ Công Thương cho rằng các quy định bổ sung sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, động tác này của Bộ Công Thương cũng được coi là nhằm góp phần hạn chế nhập siêu và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate