Quãng 10 năm “dan díu” với thị trường chứng khoán, anh không muốn được gọi là “chuyên gia”. Nhưng quả thật, việc một người từ “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán” nay biến thành người buôn… cây cảnh cũng có thể xem là sự lạ.
“Dạo này đóng băng tài khoản rồi, đi kiếm ăn nơi khác”, câu nói cũng không có gì lạ trong bối cảnh thị trường èo uột như lúc này. Tuy nhiên, việc “nơi khác” là lĩnh vực buôn cây cảnh có thể gây sốc với những nhà đầu tư thường tham khảo ý kiến anh - người đang giữ chức giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của một công ty chứng khoán, dưới tay có cả chục nhân viên, gần 1.000 khách hàng.
Theo anh, tài chính chứng khoán cũng như mọi nghề khác, chỉ là một nơi mà mỗi cá nhân tâm huyết đều có thể đem lại thành công.
Tuy nhiên, những nghiên cứu của anh một năm gần đây về lĩnh vực cây cảnh cũng “đượm mùi” chứng khoán. Cây cảnh còn được “làm giá” gấp trăm lần cổ phiếu. Nếu một lần dạo bước đến một “sàn” trưng bày cây cảnh, giá có thể làm nhiều người non nghề choáng váng. Hàng tỷ, thậm chí chục tỷ đồng là cái giá bình thường đối với những cây cảnh độc.
“Thị trường cây cảnh không có “biên độ” nào hết, hoàn toàn phụ thuộc vào hứng thú của người chơi cũng như độ am hiểu của người mua. Công nghệ làm giá với cây cảnh cũng không khác mấy chứng khoán. Đã có nhiều trường hợp, từ một cây bình thường, qua tay “dị nhân”, chỉ cần tạo thế, “thửa” bồn, dựng nên một “sự tích” nào đó, cũng có giá gấp hàng trăm lần giá gốc”, anh nói.
Góc nhìn về “ngành” cây cảnh dưới con mắt của một nhà đầu tư chứng khoán cũng có nhiều điểm khác biệt: Xưa nay, người chơi cây cảnh thường được hình dung như những “bô lão” rỗi việc. Sáng sáng tưới cây, tỉa cành, chiêm nghiệm sự đời. Nhưng giờ đây, thị trường cây cảnh đã khác nhiều. Giới trẻ cũng bắt đầu nghiện cây cảnh, đó là chưa kể đến thị trường rộng lớn của những người có nhu cầu trang trí gia đình, công sở… Thị trường cây cảnh truyền thống cũng mang tính thủ công, vậy có thể “công nghiệp hóa” thị trường cây cảnh phục vụ bình dân? Công cụ thương mại điện tử cũng đang được anh xúc tiến để thâm nhập thị trường mới này.
Chán chứng khoán? “Không hẳn”, anh cho biết. Nghiệp “chứng”, theo anh, đã ăn vào máu. Nhưng đôi lúc phải tìm điểm cân bằng. Rất nhiều bạn bè, khách hàng quen của anh đang thực sự bị ức chế bởi tình trạng èo uột hiện tại. Lướt sóng thì khó, ngồi im thì nản. Ai nhanh nhẹn thì cũng làm được “đôi quả” với vàng, USD nhưng đa số là kẹp hàng lẫn kẹp tiền. Thị trường như đang thử thách lòng kiên nhẫn với những nhà đầu tư thâm niên nhất.
Với đa số nhà đầu tư, thị trường chứng khoán “đẹp” phải là thị trường liên tục tăng và có khả năng sinh lời. Tuy nhiên thực tế lại hiếm khi chiều lòng người, nhất là trong năm 2010.
“Mọi thứ đều tăng, từ vàng, “đô”, đến rau cỏ, chỉ mỗi chứng khoán là giảm”, một nhà đầu tư vốn là chuyên gia cầu đường đã bỏ việc được 4 năm nay nhận xét. Thậm chí còn có ý tưởng, giả sử bổ sung giá chứng khoán vào rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thì năm nay sẽ là một năm kiềm chế lạm phát rất thành công!
Đối với những nhà đầu tư bám sàn, kiếm ăn hàng ngày trên thị trường như vị cựu kỹ sư cầu đường này thì thị trường đang hành hạ tinh thần một cách tàn khốc. Mấy năm thị trường bùng nổ, thậm chí bà xã còn không biết chuyện anh đã bỏ việc nhà nước vì hàng tháng vẫn đều đặn nộp lương. Tuy nhiên thị trường khó khăn khiến hơn một năm gần đây anh lại “bấm bụng” quay lại chuyên môn cũ bằng việc làm giám sát công trình thuê. “Giờ mới thấm sự khắc nghiệt của thị trường, có một việc khác để giải tỏa tâm lý, tạm thời rời xa bảng điện cũng là điều hay”, anh thổ lộ.
Thị trường chứng khoán năm 2010 có thể coi là bình yên nhất trong nhiều năm nay. Tuy nhiên thị trường lặng sóng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác dậy sóng, và nhất là thị trường thế giới tăng chóng mặt, là điều khiến giới đầu tư khó hiểu. Những con sóng lẻ tẻ ở một vài mã được làm giá không phải là bàn cỗ mà ai cũng có thể ngồi, đó là chưa kể đến đa số chỉ được “dọn mâm”.
Thực tế, thị trường luôn luôn đúng, và nguyên nhân chính là dòng tiền đang vận động yếu. Chính tâm kỳ vọng quá mức vào tốc độ sinh lời nhanh đã tạo nên sự ức chế. Những dao động tích lũy trong quá khứ thậm chí từng kéo dài hơn. “Cai nghiện chứng khoán không dễ và cũng không ai khi nghiệp “chứng” ngấm vào máu mà có thể dễ dàng dứt bỏ. Điều kiện thị trường chưa đủ để dậy sóng. Chỉ cần có biến, tất cả những nhà đầu tư đang mơ màng sẽ bừng tỉnh”, vị giám đốc chi nhánh đang buôn cây cảnh nói trên thừa nhận.
Thế mới biết dòng tiền cũng không hẳn đã cạn kiệt, mà chính xác hơn là dòng tiền đang nằm ngủ. Biết đâu ngủ đủ, dòng tiền sẽ tỉnh dậy, vấn đề chỉ là thời gian và sự kiên nhẫn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate