November 20, 2008 | 09:48 GMT+7

Khi lương giáo viên còn thấp hơn… người giúp việc

Lý Hà

Chuyện lương giáo viên gắn liền với chất lượng giáo dục, nhưng tới giờ vẫn là chuyện "đau đầu" của các nhà giáo

Tăng lương giáo viên là một trong những biện pháp cải thiện nền giáo dục sau khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”.
Tăng lương giáo viên là một trong những biện pháp cải thiện nền giáo dục sau khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”.
Không ít diễn đàn đã đề cập đến những điều chưa hợp tình hợp lý của lương cán bộ, công chức chuyên ngành, mà nhạy cảm nhất là lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non...

Mấy năm gần đây ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng để từng bước triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” mà ngành giáo dục thường gọi “hai không” tiếp sau đó là “nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; nói không với ngồi nhầm lớp; nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội... Và đến bây giờ là cải tiến phương pháp giảng dạy của giáo viên...

Một vấn đề quan trọng nữa gắn liền với chất lượng giáo dục cũng đã được nhắc nhiều lần nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu, đó là: lương cho giáo viên.

Khó khăn bộn bề vì lương thấp

Chuyện năm học 2008-2009 mới tính riêng ở huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An vẫn có chừng 200 thầy - cô giáo mỗi tháng lĩnh lương 500 nghìn đồng, lại còn không được quyền đóng bảo hiểm.

Thầy Trần Quốc Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Xuân cho biết, trường gồm 27 giáo viên, thì đã có tới 10 thầy, cô ký hợp đồng ngắn hạn, nghĩa là lương chỉ 500 nghìn đồng/tháng. Và thâm niên nhận mức lương này cũng đã từ 7 đến 10 năm nay rồi.

Còn cô giáo Lê Thị Hằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An đã được 10 năm, từ năm 1999 đã được ký hợp đồng dài hạn với huyện để chính thức làm giáo viên, mức lương 800 nghìn đồng/tháng. Không hiểu sao, 5 năm nay, cô chỉ được ký lại hợp đồng ngắn hạn, lương chỉ ở mức 500 hoặc 550 nghìn đồng/tháng tùy theo năm.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ Trịnh Hữu Thành, cả huyện Tân Kỳ hiện có hơn 190 giáo viên đang ở tình trạng như cô Hằng. Ông Thành nhấn mạnh: “Năm ngoái, con số này là 250 giáo viên! Nhiều người đã phải bỏ nghề, số ít đã có được biên chế do đạt thành tích là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hoặc may mắn được suất “thế chân” những người mới về hưu”.

Cô Ngọc Hân, giáo viên một trường mầm non ở Gò Vấp, Tp.HCM cho rằng đồng nghiệp của mình đã gộp hết các khoản vào thì mới ra được 1,3-1,4 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ tính lương không thì khoảng 800.000 đồng/tháng.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM, đã từng so sánh: “Hiện nay giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mới ra trường có mức lương 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tết chỉ được vài trăm ngàn đồng tiền thưởng. Giáo viên trình độ trung cấp mới ra trường thu nhập còn thấp hơn. Trong khi đó một người giúp việc (chỉ học qua lớp đào tạo hai tháng) có mức lương 1,2-1,5 triệu đồng/tháng cộng với chi phí ăn, ở tại gia đình chủ nhà, có lương tháng 13 trong dịp Tết, được may quần áo mới trong dịp lễ, thuốc men khi ốm đau... Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc”.

Không chỉ giáo viên mầm non mà ngay cả ở đại học, lương cũng vậy. Theo dẫn chứng của một giảng viên trường đại học ở Hà Nội thì lương của một giảng viên khoa cơ bản tại trường đại học mà anh - một thạc sĩ có thâm niên 6 năm bao gồm: lương cơ bản, tiền giảng dạy (20 nghìn/giờ, mỗi tuần dạy từ 15-20 tiết), ăn trưa, chấm thi... thì tổng thu nhập hàng tháng khoảng hơn 3 triệu đồng.

Đề án tăng lương có khả thi?

Theo Đề án Tăng lương mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, đến năm 2010, lương giáo viên sẽ tăng 1,7-1,8 lần. Lương sẽ tăng từ từ và từ cấp mầm non, tiểu học đến đại học. Ví dụ như mầm non từ 1,4 triệu sẽ tăng đến 3,2 triêu, THPT từ 1,5 triệu sẽ tăng đến 4,3 triệu...

Hiện tiền lương chi cho giáo viên chiếm hơn 1/3 ngân sách giáo dục (khoảng 34%) nếu thực hiện tăng lương đến năm 2010 thì lúc đó tiền lương chi cho giáo viên sẽ vào khoảng 41.000 tỷ đồng, chiếm 36,8% ngân sách cho giáo dục.

Như vậy, mức tăng chi cho lương từ ngân sách cũng không là quá lớn. Việc tăng lương để giáo viên yên tâm giảng dạy rõ ràng đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm.

Trả lời trước Quốc hội vào tháng 11/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã làm nức lòng hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước khi ông khẳng định: đề án tăng lương cho giáo viên là hoàn toàn khả thi.

Tăng lương giáo viên là một trong những biện pháp cải thiện nền giáo dục sau khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, mặc dù lúc đó có nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng rằng: “Mặt bằng lương là chung, liệu đề án tăng lương cho giáo viên trình Chính phủ có được chấp nhận?”.

Đầy lạc quan, Bộ trưởng tiếp tục khẳng định: “20 năm đổi mới, đất nước đã giàu lên, bốn năm nữa xã hội sẽ phát triển hơn nữa. Ai cũng muốn tăng lương để giáo viên yên tâm giảng dạy, Quốc hội, Nhà nước luôn coi trọng giáo dục nên việc tăng lương là có cơ sở khả thi”.

Hai năm sau đó, cuộc vận động “Hai không” được đánh giá là tương đối thành công. “Thừa thắng”, ngành giáo dục mở liên tục các cuộc vận động khác sau đó như: nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; nói không với ngồi nhầm lớp; nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội... Nhưng chưa thấy ngành nhắc gì đến chuyện tăng lương cho giáo viên?!

Được biết, Đề án đổi mới lương giáo viên nằm trong Đề án đổi mới Tài chính cho giáo dục. Nếu đề án được Chính phủ phê duyệt, học phí mới và lương giáo viên cũng sẽ có điều chỉnh.

Rõ ràng việc đảm bảo lương cho giáo viên nói chung và những vùng xa nói riêng đòi hỏi sự quan tâm thật sự của các cấp chính quyền. Chúng ta đã có chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhiều nơi, đã thực hiện có hiệu quả khi có sự đồng tâm, đồng lòng của các cấp chính quyền cùng đông đảo phụ huynh học sinh nên phần nào đã giải quyết được một phần khó khăn cho giáo viên.

Mới đây, trong dịp gặp gỡ đối thoại với giáo viên trẻ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lãnh đạo UBND Tp.HCM đã ghi nhận những ý kiến của các giáo viên trẻ về đổi mới phương pháp giảng dạy, lương cho giáo viên, chính sách nhà ở... đồng thời cho biết thành phố đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành tìm cách cải thiện lương cho giáo viên.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate