Cùng với đà tăng của chỉ số Vn-Index, từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 6, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư đưa thanh khoản thị trường mỗi phiên bứt phá lên một mặt bằng mới, trung bình 20.000 - 25.000 tỷ đồng, cá biệt có những phiên lên đến hơn 30.000 tỷ đồng. Nếu hệ thống giao dịch của HOSE không bị nghẽn lệnh khi đó giá trị giao dịch thậm chí còn có thể lớn hơn rất nhiều.
TIỀN MẤT HÚT
Một trong những lý do cản trở đà tăng thanh khoản được giới đầu tư chỉ trích là do hệ thống giao dịch của HOSE không đáp ứng được nhu cầu mua bán. Tuy nhiên, không hẳn. Bởi thực tế từ ngày 5/7, hệ thống giao dịch mới do FPT triển khai chính thức đi vào vận hành, HOSE chạy mượt mà giá nhảy chóng cả mặt nhưng thanh khoản lại bỗng dưng mất hút.
Đặc biệt, từ đầu tuần trở lại đây, thanh khoản xuống thấp kỷ lục. Trung bình 5 phiên gần đây giá trị giao dịch chỉ còn chưa đến 15.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với cao điểm tháng 5-6 và tương đương với mức thanh khoản của thời điểm cuối năm 2020.
Tương ứng, khối lượng giao dịch mỗi phiên cũng giảm đáng kể. Trung bình 5 phiên gần đây tổng khối lượng cổ phiếu được khớp trên cả 3 sàn khoảng 400 triệu cổ phiếu, giảm gần một nửa so với thời điểm tháng 5-6, và rơi về mức thanh khoản của thời điểm cuối năm 2020.
Theo phân tích của giới chuyên môn, thị trường đi lên được quyết định bởi dòng tiền, nhưng dòng tiền lại được quyết định bởi định giá và tâm lý của nhà đầu tư. Khi định giá thị trường ở một thời điểm nào đó phù hợp với mức tăng trưởng của lợi nhuận, tức là không còn rẻ nữa thì dòng tiền sẽ chủ động rút lui, thị trường lao dốc.
Ở thời điểm cuối tháng 6/2021, phân tích từ nhiều công ty chứng khoán đồng loạt cho thấy, định giá P/E Vn-Index không còn rẻ. VN-Index khi đó giao dịch ở mức P/E 19,3 lần, gần tiệm cận đường trung bình cộng 2 độ lệch chuẩn (20x). Xem xét vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại chỉ thấp hơn 14%. Giá cổ phiếu hầu hết đã chạy trước triển vọng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư đua chốt lời.
Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 với số ca nhiễm liên tiếp lập kỷ lục như một cú bồi tâm lý, khiến nhà đầu tư nín thở, thận trọng giải ngân, dòng tiền vào thị trường chùng xuống.
Tiền mặt của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng thiết lập mức kỷ lục. Theo thống kê, đến hết quý 2/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán khoảng hơn 86.000 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2021. Tức là tiền chưa hẳn đã chán nản rút ra khỏi chứng khoán, mà chỉ nằm im chờ vòng mới.
“Với thanh khoản thị trường giảm mạnh so với mức bình quân 6 tháng đầu năm. Nếu nhìn tiêu cực thì bên mua không dám mua, nhưng nhìn ở góc độ tích cực cho thấy, bên bán cũng không muốn bán, mà chờ vào ổn định của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nói như vậy tại toạ đàm "Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021" diễn ra gần đây.
KHI NÀO NHÀ ĐẦU TƯ QUAY LẠI GIẢI NGÂN?
Nếu lý do nhà chính khiến nhà đầu tư rút tiền, e ngại giải ngân vì dịch bệnh thì khi dịch lên đỉnh, dòng tiền sẽ sớm quay lại bắt đáy. Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Phân tích Đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng, trong tháng 8, dịch bệnh được kiểm soát tại các thành phố lớn, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại, bởi tiền trong dân và các công ty chứng khoán rất lớn.
Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital: Thống kê của quỹ cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội và Tp.HCM ở khoảng 11.000 USD/năm, nếu tính cả khu vực nông thôn và khu vực khác thì vào khoảng trên 5.000 USD/người. Nếu như trước thời điểm tháng 10/2020, một nhà đầu tư từ Lâm Đồng, Lạng Sơn, Cao Bằng muốn tham gia phải về Sài Gòn hay Hà Nội mở tài khoản nhưng bây giờ dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này dẫn đến tài khoản tăng 6 tháng qua là hợp lý và con số này được dự báo tiếp tục tăng trong vòng 5 năm tới với trung bình mỗi tháng 60.000 - 80.000 tài khoản.
“Thanh khoản thị trường chùng xuống từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, nhà đầu tư e ngại, giải ngân không mạnh mẽ nhưng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết khi kỳ vọng tháng 8 tới Chính phủ khống chế được Covid, dòng tiền sẽ tiếp tục đồ vào, thanh khoản tăng vọt trở lại. Nhiều ngành mặc dù đối diện với Covid nhưng vẫn tăng trưởng tốt như bán lẻ, thương mại, bất động sản hay ngân hàng. Nhà đầu tư sẽ sớm quay lại trạng thái tích cực như đầu tháng 6, khi đó, HOSE sẽ phải căng mình ra”, ông Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, cơ bản thị trường đã tạo đáy trong tháng 7. Sau nhịp điều đỉnh này thị trường có thể lên 30-40%. Với các giả định này, cuối năm nay VN-Index có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm với điều kiện covid khống chế trong tháng 8-9, nhà đầu tư tận dụng thời điểm này để cơ cấu danh mục cho tương lai. “Covid sớm kiểm soát thì thanh khoản sẽ tăng. Cùng với đó, các chính sách tài khoán hỗ trợ sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, thị trường sớm ổn định trở lại”, ông Trung nói.
Còn theo phân tích của chứng khoán BSC, chỉ thị 16 đã được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành phố, do đó, có thể kỳ vọng dịch tạo đỉnh trong thời gian khoảng 1 tuần tới, tức là đầu tháng 8. Thanh khoản những đợt Covid về sau thường có trạng thái giảm dần, cho thấy các nhà giao dịch không còn trạng thái hoảng loạn như đợt Covid đầu tiên và luôn chờ đợi cơ hội bắt đáy. Thị trường dần hồi phục khi số ca mắc mới bắt đầu giảm dần.
Nhìn chung, nhận định của các công ty chứng khoán và giới chuyên môn đều kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát tháng 8, dòng tiền sẽ quay lại thị trường chứng khoán.
Dù nhận định này còn tuỳ thuộc vào diễn biến thực tế nhưng nhưng nhiều số liệu cho thấy kỳ vọng vào thời điểm tháng 8 tới dòng tiền tỷ đô quay lại là hoàn toàn có cơ sở.
Quan sát dữ liệu từ Bộ Y tế, số ca nhiễm bệnh trên cả nước tăng vọt từ 5.000 ca/ngày, ngày 27/7 đạt con số 8.000 ca, sau đó giảm mạnh xuống hơn 6.000 ca trong ngày 28/7. Trong khi đó, số ca phục hồi tăng mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội được nhiều tỉnh thành áp dụng triệt để, số lô vaccin về Việt Nam ngày càng dồn dập và tỷ lệ tiêm cũng đã tăng trưởng cao hơn.
“Dòng tiền sẽ sớm quay lại thị trường một phần còn do tác động của Covid-19 hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, giãn cách xã hội khiến kênh đầu tư như bất động sản gặp khó, xu hướng tìm kênh đầu tư hiệu quả như chứng khoán là điều tất yếu như trong suốt giai đoạn 6 tháng vừa qua. Đặc biệt là bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, dư địa cho tiền rẻ còn nhiều”, Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán nói với VnEconomy.