February 28, 2023 | 15:40 GMT+7

Khi thời trang nhanh và thời trang xa xỉ bắt tay để tìm kiếm doanh thu 

Băng Hảo -

Dù là nhãn hàng xa xỉ hay nhà bán lẻ bình dân, dường như không còn ranh giới nào mỗi khi xét đến khía cạnh kinh doanh. Sự hợp tác giúp mở rộng khả năng sáng tạo, giúp mang lại nhiều kết quả ngẫu hứng, bất ngờ cho các thương hiệu...

Ảnh: Glitterball Magazine
Ảnh: Glitterball Magazine

Mặc dù không thể nói rằng thời trang nhanh và thời trang xa xỉ hiện “chung sống hòa bình”, nhưng mỗi khi bắt tay với nhau, các thương hiệu hoàn toàn có thể tiếp cận nhóm khách hàng và người hâm mộ của nhau, từ đó giúp mở rộng thị trường khách hàng tiềm năng trong kinh doanh và tăng độ nhận biết của mình.

Theo Business Of Fashion, trong ngành hàng thời trang nhanh, H&M là một nhãn hiệu thiết kế khá được yêu thích. Từ các sao Hollywood như Megan Fox và Kim Kardashian, Bella Hadid, đến Kylie Jenner, Cardi B và Dua Lipa đều đã từng diện các thiết kế của thương hiệu bình dân này. H&M không chỉ nỗ lực cho ra mắt những sản phẩm hợp mốt với giá phải chăng, mà còn mang đến nhiều chiến dịch thời trang hợp tác cùng các nhà mốt lớn trên thế giới. Karl Lagerfeld chính là cái tên đầu tiên kết hợp cùng H&M vào năm 2004, tuy những thiết kế đậm chất high-fashion của ông đã không tìm được tiếng nói chung với vẻ “đường phố” của H&M.

Vào năm 2007, H&M tiếp tục hợp tác cùng nhà thiết kế thời trang cao cấp Roberto Cavalli. Ông là một trong những người chuyên sáng tạo nên những sản phẩm hoạ tiết ngựa vằn và da báo. Sự kết hợp này nhận được quan tâm từ các tín đồ thời trang trên thế giới. Sau đó, H&M tiếp tục khiến giới mộ điệu bất ngờ về màn hợp tác với nhà mốt Comme des Garcon - thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản được sáng lập bởi Rei Kawakubo. Bộ sưu tập này bao gồm các trang phục lấy cảm hứng từ tinh thần avant-garde cùng hoạ tiết chấm bi thời thượng. Đây được đánh giá là những thiết kế nâng tầm cho H&M.

Versace cũng trở thành gương mặt tiếp theo kết hợp cùng H&M trong chiến dịch vào năm 2011. Tất cả thiết kế đều lấy cảm hứng về đất nước Hy Lạp cùng các hoạ tiết đặc trưng từ nhà mốt Ý. Không lâu sau, H&M tiếp tục gây sốt khi kết hợp cùng nhà mốt Alexander Wang tung ra bộ sưu tập đầy chất sporty. Phong cách năng động đã bao trùm toàn bộ các thiết kế đánh dấu một bước tiến mới cho nền công nghiệp thời trang. Chưa dừng lại ở đó, những sản phẩm đều được sáng tạo bằng nguyên liệu technology tích hợp trên trang phục. Không gì ngạc nhiên khi tất cả thiết kế đều lập tức "cháy hàng" trong các cửa hàng H&M trên thế giới. 

Các thiết kế trong bộ sưu tập HM x Moschino đã mang về doanh thu triệu USD.
Các thiết kế trong bộ sưu tập HM x Moschino đã mang về doanh thu triệu USD.

Năm 2018, HM x Moschino. Vốn đã gây tiếng vang từ trước với những thiết kế bắt mắt rất được trông ngóng, sàn diễn lần này còn nâng thêm độ "hot" của BST với sự tham gia của những tên tuổi đình đám như Naomi Campell, Gigi Hadid, Bella Hadid, Candice Swaneopel, Taylor Hill... Những thiết kế được đánh giá sẽ làm nên cú nổ lớn cho ông lớn thời trang bán lẻ của Thụy Điển và giới thời trang cũng không khỏi đặt câu hỏi: một bộ sưu tập xuất sắc thế này, tại sao không ra đời sớm hơn?

Thực tế là, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu hiện nay có giá trị ước tính vào khoảng hơn 3 nghìn tỷ USD, theo Vogue Business. Một vấn đề đặt ra là các tập đoàn thời trang xa xỉ truyền thống, nắm giữ những thương hiệu như Gucci, Prada, Louis Vuitton... lại đang kém doanh số so với một vài tên tuổi bán lẻ như Zara, H&M, Asos... Lý do là bởi các hãng thời trang nhanh có sự kết hợp linh hoạt giữa chất lượng và giá cả phải chăng, giúp các thương hiệu này trở thành một lựa chọn hấp dẫn của phần lớn người dân có mức thu nhập trung bình, thậm chí là cả với những ngôi sao thích chi tiền cho trải nghiệm hơn là phung phí vào áo quần. 

Đó là chưa kể, thời trang với các nhà bán lẻ là tạo ra doanh thu, chứ không phải để ngắm hay để giới chuyên môn ca ngợi. Chính sự phát triển nhanh chóng, cùng tham vọng vươn ra toàn cầu của các đại gia thời trang trẻ tuổi khiến những “ông lớn” xa xỉ cảm thấy bị đe dọa. Do đó, những nhà mốt cao cấp cần nghĩ ra một biện pháp “biến thù thành bạn” được lợi đôi đường, đó chính là hình thức hợp tác cùng kiếm tiền và mở rộng tệp khách hàng.

Ở chiều ngược lại, các nhãn hàng bán lẻ bình dân cũng nhận được vô vàn lợi lộc sau những cái gật đầu hợp tác cùng các nhà mốt xa xỉ. Đây chính là chiến lược tiếp thị thông minh nhằm giữ chân người tiêu dùng, nâng cao đẳng cấp và kích thích khách hàng khao khát nhiều hơn nữa. Điển hình, H&M đã mang về doanh thu triệu USD sau khi bộ sưu tập hợp tác với Giambattista Valli được Kendall Jenner quảng bá nhiệt tình, các mẫu thiết kế bán hết veo chỉ trong một ngày. 

Mới đây nhất, H&M tuyên bố sẽ ra mắt bộ sưu tập hợp tác với Mugler trong một BST dự kiến ra mắt giới mộ điệu thời trang vào mùa xuân này. “Bộ sưu tập Mugler x H&M được chính tay Giám đốc Sáng tạo Casey Cadwallader của Mugler chỉ đạo, các sản phẩm sẽ gói gọn tinh thần độc đáo và sôi nổi của nhà mốt Mugler. Chúng sẽ có sẵn trên trang trực tuyến và tại một số cửa hàng được chọn lọc trong mùa Xuân năm 2023,” thông báo của H&M nêu rõ.

Thương hiệu cao cấp Mugler vốn nổi tiếng với những thiết kế táo bạo, gợi cảm. 
Thương hiệu cao cấp Mugler vốn nổi tiếng với những thiết kế táo bạo, gợi cảm. 

Người đại diện của thương hiệu sau đó bổ sung: “Lịch sử hợp tác với các thương hiệu thời trang thiết kế của H&M mang tính tiên phong, một số trong đó đã trở thành huyền thoại trong ngành ở hai thập kỷ gần đây. H&M đã dân chủ hóa thời trang cao cấp bằng cách mang đến cho khán giả toàn cầu cơ hội sở hữu những tác phẩm có sự tham gia của các thương hiệu thời trang hàng đầu”. Mặc dù hiện tại chi tiết cụ thể về bộ sưu tập lần này vẫn chưa được bật mí, nhưng bạn có thể mong đợi những kiểu dáng gợi cảm hòa quyện với sự thanh lịch. Thương hiệu sang trọng Pháp vốn nổi tiếng với những chiếc áo nịt ngực, quần legging bó sát họa tiết xoắn ốc và những thiết kế táo bạo, gợi cảm. 

Có thể nói, H&M là đại diện cho các công ty thời trang bán lẻ hiểu được khát khao sở hữu đồ xa xỉ của người tiêu dùng, và còn gì tuyệt vời hơn khi nó được bán với mức giá của thương hiệu bình dân. Điều này giải thích cho doanh số tăng vọt từ năm 2016 của H&M. Tuy nhiên, sự hợp tác cũng không phải lúc nào cũng hiệu quả, bởi nó dễ gây nhầm lẫn trong việc định vị thương hiệu, đặc biệt là khi chúng được lặp lại liên tục.

Người tiêu dùng ngày càng trở nên thông minh, họ hiểu được món đồ mà họ mua với giá bình dân tuy mang “mác” xa xỉ nhưng vẫn là sản xuất hàng loạt, với những chất liệu không phải là thượng hạng. Vì vậy, thay vì chỉ trông mong vào những dự án hợp tác, các thương hiệu nên tìm cách đáp ứng sự đòi hỏi và nhu cầu của khách hàng, chú trọng vào tính thẩm mỹ và giá cả để thu hút và giữ chân họ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate