November 22, 2023 | 11:36 GMT+7

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tiếp tục là điểm nóng

Phúc Minh -

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, năm 2024 cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh - Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh - Quochoi.vn.

Sáng 22/11, Quốc hội đã nghe Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 và tiến hành thảo luận về vấn đề này.

TỶ LỆ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TĂNG SO VỚI NĂM 2022

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023, mặc dù tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh có tăng so với năm 2022, nhưng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn có nhiều chuyển biến tích cực.  

Đáng chú ý, hầu hết các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hàng tháng.

Theo báo cáo của Chính phủ, số ngày tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 92% so với 37,6% của giai đoạn 2016-2021; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đạt 113% so với 61,5% của giai đoạn 2016-2021… Trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ tiếp trên 100% số ngày quy định.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, trong năm 2023, các cơ quan hành chính đã giải quyết 17.463/21.374 vụ việc, đạt 81,7%; Tòa án nhân dân các cấp giải quyết 29/29 đơn; Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước không có vụ việc thuộc thẩm quyền.

Về tố cáo, cơ quan hành chính đã giải quyết 6.618/7.666 vụ việc, đạt 86,3%; Tòa án nhân dân các cấp giải quyết 100/110 đơn; Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý, giải quyết 4 đơn và Kiểm toán nhà nước giải quyết 10/10 đơn.

Đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết đối với 1.003 vụ.

Các cơ quan hành chính đã xem xét xử lý, giải quyết 307/425 vụ việc thuộc thẩm quyền (72,2%); còn 118 vụ việc đang tiếp tục xem xét, giải quyết. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết xong 89/89 đơn tiếp nhận.

Theo báo cáo, với 1.283 kết luận thanh tra được ban hành, đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức và 520 cá nhân có vi phạm…

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan Bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật; chất lượng xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao, còn tình trạng sai sót, nhầm lẫn, chưa xem xét xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.

Đáng chú ý, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương chưa chủ động, còn chậm so với yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Chính phủ dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phức tạp thành điểm nóng.

Hiện nay, đáng chú ý về tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường tại một số tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên, nếu không được xử lý kịp thời, dứt điểm có thể diễn biến phức tạp về an ninh trật tự xã hội có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường, khai thác khoáng sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, chính sách cán bộ khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhân sự chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030... cũng có khả năng gia tăng và tiềm ẩn phức tạp.

KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG KHIẾU NẠI PHỨC TẠP

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá, qua báo cáo cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, qua xem xét số liệu trong báo cáo, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, song đối với cấp Bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân, để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Về kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2023, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 7.666 vụ việc, tăng 15,5%; trong đó đã giải quyết 6.618 vụ việc, đạt 86,3%, cao hơn mục tiêu đề ra (85%).

Tuy nhiên, số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Qua phân tích số liệu kết quả giải quyết tố cáo được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 23,2%, so với năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước. 

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, cung cấp số liệu cụ thể hơn về tình hình giải quyết các vụ việc; kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất, kiến nghị của cơ quan khác có liên quan.

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cơ bản tán thành với nhận định của Chính phủ về dự báo tình hình năm 2024, song Ủy ban cho rằng, cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh khiếu nại tố cáo hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư...

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)..., một mặt sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai, nhưng mặt khác do quyền lợi của người dân theo quy định mới của các văn bản luật này được bảo đảm tốt hơn nên cũng có thể phát sinh tâm lý “so bì” dẫn đến gia tăng khiếu nại tố cáo.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại phức tạp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate