September 13, 2021 | 14:29 GMT+7

Khó cầm cự kinh tế, Đông Nam Á xoay đủ cách “sống chung với Covid-19”

An Huy -

Dù chưa vượt qua đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay trong khu vực, các quốc gia Đông Nam Á đang dần nhận ra rằng họ không thể tiếp tục để nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các biện pháp chống dịch...

Đường phố ở quận trung tâm Singapore hôm 6/9 - Ảnh: Bloomberg.
Đường phố ở quận trung tâm Singapore hôm 6/9 - Ảnh: Bloomberg.

Ở Việt Nam, Malaysia, Philippines… nhà chức trách đều đang rục rịch kế hoạch mở cửa trở lại, tìm cách cân bằng giữa một bên là kiểm soát virus và một bên là duy trì dòng chảy của lao động và vốn. Nỗ lực này bao gồm việc thử nghiệm một loạt biện pháp mới, như bộ đội đi chợ hộ người dân, công nhân ăn-ngủ-làm việc tại nhà máy, phong toả trên quy mô hẹp, và chỉ cho phép người đã tiêm vaccine vào nhà hàng và văn phòng - hãng tin Bloomberg cho hay.

Khác với ở châu Âu và Mỹ, hai khu vực đã đi được những bước dài trong việc mở cửa trở lại, Đông Nam Á với tỷ lệ tiêm chủng thấp đã trở thành một trong những khu vực dễ tổn thương nhất trước biến chủng Delta. Khi nền kinh tế và ngân khố quốc gia bị kéo căng bởi đại dịch, phong toả trở thành phương pháp chống dịch ngày càng kém bền vững đối với các nước Đông Nam Á.

“Đây là một sự cân bằng khó khăn giữa sinh mạng và sinh kế” chuyên gia kinh tế Krystal Tan của ngân hàng ANZ nhận định trong cuộc trao đổi với Bloomberg, nhấn mạnh rằng Singapore vẫn đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh cho dù có tỷ lệ tiêm chủng vào hàng cao nhất thế giới. Nguy cơ mở cửa rồi lại phải đóng thậm chí còn cao hơn ở các nước khác trong khu vực, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp hơn nhiều, theo bà Tan.

Việc các nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa hàng loạt trong đợt dịch này đã gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đến nỗi các hãng ô tô như Toyota phải cắt giảm sản lượng và hãng bán lẻ thời trang Abercrombie & Fitch phải lên tiếng cảnh báo rằng tình hình “đã vượt tầm kiểm soát”.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nhiều nước Đông Nam Á đã vượt bình quân toàn cầu, khiến các nước này bị đẩy xuống đáy của xếp hạng về độ vững vàng trong đại dịch (Covid Resilience Ranking) do Bloomberg thực hiện.

Khó cầm cự kinh tế, Đông Nam Á xoay đủ cách “sống chung với Covid-19” - Ảnh 1

Tuy nhiên, giới chức Đông Nam Á đang ngày càng lo ngại về những hệ quả kinh tế có thể xảy ra nếu các biện pháp hạn chế được duy trì quá lâu, cho dù tốc độ tiêm chủng còn chậm chạp. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày lập kỷ lục, Malaysia đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 còn 3-4%. Hy vọng của Thái Lan về một sự phục hồi nhanh của du lịch, một ngành chủ chốt của nước này, cũng nhanh chóng tan biến trong đợt bùng dịch kéo dài từ tháng 4 đến nay.

Ngay cả những quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng, như Việt Nam với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 6% trong năm nay và Singapore 7%, cũng đang đương đầu sức ép gia tăng về giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và tránh để các nhà đầu tư nước ngoài trở nên chán nản.

Theo chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của ngân hàng OCBC, các nước Đông Nam Á đang mất sức vì cùng lúc phải hứng chịu tổn thất kinh tế do những đợt phong toả liên tiếp và cảm giác ngày càng mệt mỏi của người dân vì dịch bệnh kéo dài. “Bất kỳ hy vọng nào về sự mở cửa trở lại biên giới trên diện rộng để có thể thúc đẩy dòng chảy thương mại và du lịch giữa các nước ASEAN vẫn đang là một giấc mơ xa vời ở thời điểm này”, ông Wiranto nói.

Khi nói về ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, rủi ro lớn nhất có lẽ nằm ở Việt Nam - theo Bloomberg. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), 18% số thành viên của hiệp hội này đã dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất sang quốc gia khác nhằm đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng và xu hướng này có thể tiếp tục gia tăng.

Sự kiên nhẫn của người dân tại nhiều nước Đông Nam Á đang giảm dần, nhất là khi họ đã phải chống chọi với virus lâu hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Ở Malaysia, Chính phủ đã phải điều chỉnh chiến lược chống dịch sau khi phong toả kéo dài gây mất việc làm mà số ca nhiễm vẫn không thể giảm xuống. Ở Thái Lan, các cuộc biểu tình đường phố phản đối Chính phủ trước đại dịch đã biến thành các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề đại dịch.

Ở Singapore và Philippines, doanh nghiệp ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn về những thách thức mà họ gặp phải khi lên kế hoạch kinh doanh dài hạn, do không thể nắm bắt được chính sách của chính phủ.

Và kết quả là đang có một sự dịch chuyển ở Đông Nam Á, tiến tới xem Covid-19 như một căn bệnh thường xuyên (endempic). Những nước như Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang học theo chiến lược “sống chung với Covid” của Singapore.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang tập trung vào chiến lược dài hạn. Chính phủ nước này đang cố gắng củng cố những quy định như bắt buộc đeo khẩu trang trong nhiều năm, thay vì chỉ áp dụng ngắt quãng. Indonesia cũng vạch ra lộ trình cho những khu vực cụ thể như công sở và trường học nhằm thiết lập các quy định lâu dài khác cho tình trạng bình thường mới.

Việc báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày giờ đây không còn quan trọng như số ca nhập viện và tử vong. Điều này đặc biệt đúng đối với hai nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực là Singapore, với 80% dân số đã tiêm đủ, đạt hàng cao nhất thế giới, và Malaysia, với khoảng một nửa dân số đã tiêm đủ.

Khó cầm cự kinh tế, Đông Nam Á xoay đủ cách “sống chung với Covid-19” - Ảnh 2

Thay vì phong toả toàn quốc hay những vùng rộng lớn, Philippines đang xem xét chỉ áp dụng hạn chế đi lại trên diện hẹp, chẳng hạn ở một khu phố hoặc trong một toà nhà. Việt Nam cũng đang thử nghiệm phương pháp tương tự bằng cách phân vùng dịch tễ.

Chỉ những người có chứng nhận đã tiêm đủ vaccine mới có thể vào trung tâm thương mại hoặc các địa điểm tôn giáo ở Jakarta, hay rạp chiếu phim ở Malaysia. Các nhà hàng ở Singapore yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng đối với thực khách ở nhà hàng. Tại Manila, giới chức đang cân nhắc “bong bóng vaccine” cho công sở và phương tiện giao thông.

Dù những cách làm này có thể giảm thiệt hại đối với nền kinh tế, rủi ro nằm ở chỗ sự không đồng đều trong phân phối vaccine - chẳng hạn Malaysia ưu tiên vaccine cho những bang quan trọng về kinh tế - có thể khiến những nhóm dân cư thu nhập thấp rơi vào thế bất lợi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate