March 12, 2012 | 18:21 GMT+7

Khó hiểu trước sự xuống dốc của ngành điện tử Nhật

An Huy

Sự sa sút quá mạnh và quá nhanh của ngành công nghiệp điện tử nước này đến nay vẫn là một câu chuyện gây khó hiểu

Trước mắt, chưa có tín hiệu nào cho thấy ngành công nghiệp điện tử Nhật sẽ sớm giải quyết được những khó khăn hiện nay - Ảnh: Bloomberg.
Trước mắt, chưa có tín hiệu nào cho thấy ngành công nghiệp điện tử Nhật sẽ sớm giải quyết được những khó khăn hiện nay - Ảnh: Bloomberg.
Thời gian này, ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản đối mặt với một “biển” thách thức.

Cuối tháng 2 vừa qua, hãng sản xuất con chip lớn thứ ba thế giới Elpida Memory nộp đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ 5,6 tỷ USD, đánh dấu vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử sản xuất công nghiệp Nhật. Trong khi đó, nhà sản xuất máy ảnh Olympus tiếp tục trầy trật giải quyết bê bối.

Các “đại gia” như Sony, Sharp và Panasonic thì đua nhau báo những khoản thua lỗ kỷ lục. Hãng Sony ước tính, tổng mức lỗ của hãng trong cả năm tài khóa 2011 kết thúc vào tháng 3 năm nay sẽ lên tới 1,1 tỷ USD.

Trước mắt, chưa có tín hiệu nào cho thấy ngành công nghiệp điện tử Nhật sẽ sớm giải quyết được những khó khăn hiện nay. Ông Richard Katz, chủ bút tờ The Oriental Economist Report, mới đây đã tổng hợp những con số có khả năng khiến nhiều người phải “hốt hoảng” vì tình trạng sa sút quá nhanh của lĩnh vực điện tử ở xứ mặt trời mọc.

Dưới đây là một số dữ liệu được ông Katz tập hợp do tờ Business Week lựa chọn giới thiệu:

Năng lực cạnh tranh nói chung của Nhật đang giảm nhanh: Tỷ trọng của Nhật Bản trong kim ngạch xuất khẩu ra thị trường toàn cầu của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã giảm xuống còn 7,6% vào năm 2010, so với mức 12% vào năm 1984. Trong khi đó, tỷ trọng này của Mỹ tính ở thời điểm năm 2010 là 16,9%, của Đức là 14%. Tỷ trọng của Hàn Quốc tính đến năm 2010 là 5% và đang tăng trưởng đều đặn, thu hẹp dần khoảng cách với Nhật Bản.

Xuất khẩu hàng điện tử của Nhật co cụm: Theo Katz, vào năm 2000, hàng điện tử chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản. Đến năm 2011, con số này giảm còn 14%. Hàng điện tử không còn là nhóm đóng góp lớn vào kim ngạch thương mại của Nhật nữa. Thặng dư thương mại của Nhật ở nhóm hàng điện tử đã giảm từ mức 6,9 nghìn tỷ Yên (83,6 tỷ USD) vào năm 2000 xuống còn 1,2 nghìn tỷ Yên vào năm 2011, tương đương mức giảm 82%.

Các công ty bán dẫn của Nhật đuối sức: Vào năm 1990, không ai có thể phủ nhận sự thống trị của Nhật trong ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu. “Trong số 20 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới khi đó, các công ty đến từ Nhật Bản chiếm 55% doanh thu”, Katz viết. Đến năm 2010, các công ty chất bán dẫn của Mỹ, dẫn đầu là Intel, chiếm thị phần 51%, còn, thị phần của Nhật Bản giảm quá nửa, xuống còn 24%. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc chiếm thị phần 19%. “Đại gia” Hàn Quốc Samsung hiện đứng thứ nhì sau Intel trong nhóm 20 hãng bán dẫn lớn nhất thế giới về thị phần.

Ngành điện tử Nhật thua lỗ trầm trọng: Các nhà sản xuất lớn nhất thuộc các lĩnh vực điện thoại di động, TV và con chip của Nhật Bản dự báo sẽ thua lỗ tổng cộng 17 tỷ USD trong năm nay, tương đương khoảng 3/4 số tiền mà Samsung dự định chi cho hoạt động nghiên cứu. Theo Katz, tổng sản lượng trong nước của ngành sản xuất điện tử Nhật Bản từ năm 2000 tới nay đã giảm chừng một nửa.

Các nhà máy điện tử “tháo chạy” khỏi Nhật: Theo Katz, khoảng 1/3 sản lượng hàng điện tử Nhật hiện nay là sản phẩm từ các nhà máy đặt tại nước ngoài của các công ty đa quốc gia của Nhật. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với ở các ngành sản xuất công nghiệp khác của Nhật.

Theo bình luận của Katz, khó có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành công nghiệp điện tử Nhật trong tương lai. Nhật Bản là một nước có nhiều nhân tài, nên sự sa sút quá mạnh và quá nhanh của ngành công nghiệp điện tử nước này đến nay vẫn là một câu chuyện gây khó hiểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate