Tại tọa đàm “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai ESG, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững.
Một số chính sách nổi bật như Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Đặc biệt, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020), thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro cao nhất.
Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng đa dạng sản phẩm ngân hàng, tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên 80% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Gần 50% các ngân hàng thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 3/2024, có 47 tổ chức phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Không ít tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững. Đáng chú ý, số dự án/khách hàng cấp tín dụng được thực hiện quản lý rủi ro môi trường đạt 110.371 dự án/khách hàng với số dư nợ được quản lý rủi ro về môi trường là 991.378 tỷ đồng. Một số ngân hàng ban hành "Khung tín dụng xanh" và "Khung khoản vay bền vững" để quản lý nguồn vốn vay cho các dự án xanh và giảm phát thải.
VƯỚNG MẮC KHI THỰC HIỆN ESG
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh. Đồng thời, thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành về ESG.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ sự mới mẻ về khái niệm ESG là nhân tố khiến công tác quản trị ESG gặp nhiều khó khăn đối với cả khách hàng là doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, đòi hỏi phải có sự hợp tác và thiện chí từ cả ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG còn khó khăn vướng mắc.
Việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải cũng là vấn đề khó khăn chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, sẽ xuất hiện những vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng.
Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank, cho biết triển khai, giải ngân hiệu quả các gói tư vấn, tài trợ kỹ thuật từ các tổ chức là khó khăn mà ngân hàng đang gặp phải. Song song đó, trình độ của cán bộ tín dụng trong lĩnh vực xanh còn hạn chế cũng như hoạt động đo lường, đánh giá một số yếu tố của bộ tiêu chí ESG như tín chỉ carbon, tiết kiệm năng lượng điện, nước… rất khó triển khai với mạng lưới khách hàng lớn như Argibank.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc áp dụng ESG trong hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn đang ở những bước khởi đầu. Nguồn lực nhân sự ngân hàng có kiến thức kĩ thuật chuyên sâu về các yếu tố môi trường, xã hội và bền vững để đánh giá, thẩm định dự án/khoản vay còn tương đối hạn chế.
Bên cạnh đó, khung pháp lý hay quy định về phân loại xanh, xác nhận dự án được cấp tin dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các ngân hàng.
Dưới góc độ là đơn vị tư vấn giải pháp ESG cho các doanh nghiệp, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Khối dịch vụ tài chính KPMG, cho rằng các ngân hàng hiện nay bắt đầu thực hiện ESG từ việc có báo cáo thường niên, khi mức độ trưởng thành tốt hơn thì có báo cáo phát triển bền vững, nhưng lại gặp thách thức về dữ liệu, các ngân hàng sẽ mất rất nhiều nguồn lực để có thể có dữ liệu về ESG. “Để có dữ liệu báo cáo ESG tự động là một chặng đường còn khá dài.”, ông Vinh nhấn mạnh.