Dẫn đầu về giá trị huy động là 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Trong đó, BIDV giữ vị trí quán quân với hơn 1.545.569 tỷ đồng; thứ hai là Vietcombank với 1.326.853 tỷ đồng. Vietinbank ghi nhận 1.310.048 tỷ đồng tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6/2023.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank là ngân hàng hút được nhiều tiền gửi nhất với 501.583 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Theo sát là MBB với 475.406 tỷ đồng. Tiếp đến là ACB ghi nhận 432.410 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi, nhóm ngân hàng có nguồn vốn huy động tăng khoảng 3-8% là An Bình Bank, ACB, BIDV, VietinBank, Eximbank, LPBank, MBB, OCB, Seabank, Techcombank, TPB, Vietcombank, VIB,....Các ngân hàng thuộc nhóm tăng trưởng tiền gửi cao là HDB 43%, Kiên Long 17%, NCB 16%, SHB 13%, Sacombank 10%, VietABank 20%, VPBank 28%.
Theo nhóm nghiên cứu công ty chứng khoán TPBank, các tháng đầu năm 2023 chứng kiến huy động sụt giảm lượng tiền gửi từ tổ chức kinh tế do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên tăng sử dụng nguồn tiền sẵn có thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính. Tính đến tháng 5/2023, tiền gửi từ tổ chức kinh tế sụt giảm 3,4% so với đầu năm, dẫn đến tổng lượng tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư chỉ tăng 2,34% trong khi tiền gửi từ dân cư tăng mạnh lên đến 8,2% nhờ lãi suất huy động tăng cao trong quý 1/2023.
Trong nửa cuối năm 2023, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế được dự báo vẫn còn sụt giảm trong quý 3 và phục hồi dần tăng trưởng dương vào quý cuối của năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ khá chậm do lãi suất huy động dự kiến tiếp tục giảm, đồng thời các doanh nghiệp cần thời gian phục hồi kinh doanh sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn nên lượng tiền gửi từ đối tượng này chưa thể phục hồi nhanh trong ngắn hạn.
Từ tháng 3/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ bao gồm ngưng phát hành tín phiếu, liên tục giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Hiện tại, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5% về 3% và lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% về 4,5% thấp hơn so với trước dịch Covid-19, kéo theo mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng giảm khoảng 1-1,5% so với các tháng đầu năm.
Nửa cuối năm 2023, nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) kỳ vọng cải thiện khi lãi suất có xu hướng tiếp tục giảm, các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh hoạt động thu hút CASA giúp giảm chi phí huy động vốn trong bối cảnh lợi nhuận thu hẹp, nợ xấu gia tăng.
Toàn bộ 27 ngân hàng niêm yết đều ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh trong quý 1/2023 với tỷ lệ giảm trung bình là -2,7 % so với cuối năm 2022. Nguyên nhân đến từ việc lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng nhanh đã thu hút dòng tiền thanh toán chuyển qua, đồng thời tiền gửi tại các tài khoản thanh toán của doanh nghiệp cũng giảm sút do kinh tế khó khăn nên rút tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Sang quý 2/2023 lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm dần đã tác động giúp CASA phục hồi nhẹ, tuy nhiên vẫn chưa đủ bủ đắp sự sụt giảm trong quý 1. Kết quả, cuối quý 2/2023 tỷ lệ CASA trung bình giảm -1,8 % so với hồi đầu năm.
Thời điểm 30/06/2023, top 10 ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ CASA lớn nhất lần lượt là MBB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB, Vietinbank, Sacombank, BIDV, TPBank và PGBank.
Trong 3 quý đầu tiên của năm 2022, Techcombank là cái tên dẫn đầu với tỷ lệ CASA lên đến khoảng 47-50%. Tuy nhiên từ quý 4/2022 đến nay MBB đã vươn lên dẫn đầu với tỷ lệ CASA hiện tại là 36,5%, cao hơn Techcombank đang giữ vị trí thứ 2 là 34,9%. MSB là ngân hàng có tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh nhất -6,9 %so với đầu năm.
Về sự phục hồi trong quý 2 thì Techcombank, MSB và MBB phục hồi nhanh nhất so với quý 1, ACB phục hồi chậm hơn trong khi Vietcombank lại đi ngược với thị trường, giảm nhẹ 0,5 % so với quý 1.